Vụ việc khiến dư luận phẫn nộ, bức xúc. Vậy nuôi chó ở chung cư vi phạm bị xử lý thế nào?
Cấm nuôi nhưng chó vẫn thả rông
Ngày 7-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, chị H.T.V. (29 tuổi, sinh sống ở chung cư Saigon Riverside, quận 7) cho biết chung cư này quy định cấm dắt, thả thú cưng ở khu vực sinh hoạt chung của cư dân và khuôn viên xanh nằm giữa các block chung cư. Tại khuôn viên xanh và nhiều nơi cũng được ban quản lý đặt nhiều bảng "cấm vật nuôi", "no pets allowed".
Trước khi dọn đến chung cư này, chị V. có nuôi hai con chó ở nhà phố từ nhỏ. Từ tháng 10-2022 khi về đây ở, chị đành phải bán hai con chó này đi vì sợ chó của mình làm ảnh hưởng đến hàng xóm, gây rắc rối cho mình.
"Không gian sinh sống trong chung cư là nơi ở tập thể, không thể vì sở thích cá nhân của mình mà làm ảnh hưởng đến người khác", chị V. chia sẻ.
Còn anh Võ Huỳnh Gia Huy (21 tuổi, cư dân chung cư Vinhomes Grand Park, TP Thủ Đức) cho rằng nhiều trường hợp trước đây ở chung cư vi phạm khi nuôi chó mèo cũng bị ban quản lý cưỡng chế, đưa chó ra khỏi chung cư vì đã nhắc nhở nhiều lần, gây ảnh hưởng đến hàng xóm.
Ban quản lý chung cư Vinhomes Grand Park đã đưa ra sổ tay quy định về việc nuôi chó mèo. Theo đó, quy định với trường hợp lần đầu phát hiện nuôi chó mèo, ban quản lý sẽ nhắc nhở. Đến lần thứ ba sẽ áp dụng tạm ngừng cung cấp các dịch vụ giữ xe, bể bơi và nhiều dịch vụ khác... đồng thời cưỡng chế chó mèo đưa ra khỏi chung cư.
Anh Bùi Văn Tú (35 tuổi, sinh sống trong một chung cư cao cấp ở TP Thủ Đức) bức xúc kể chung cư nơi anh ở không cấm nuôi chó mèo, hàng xóm nhà anh có nuôi một con chó. Vợ chồng anh Tú vừa có con nhỏ, nhiều bữa hai người không dỗ được con ngủ vì tiếng sủa của chó nhà hàng xóm. Phản ảnh với ban quản lý chung cư thì họ ghi nhận và sau đó đâu lại vào đấy.
UBND và công an xã phường có quyền xử lý
Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM), chuyện có được nuôi chó mèo trong chung cư không hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi.
Song cũng có ý kiến cho rằng theo quy định ở phụ lục II thông tư 23/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật chăn nuôi thì chó, mèo được xếp vào loại động vật khác, không phải là gia súc nên pháp luật không cấm nuôi chó mèo trong chung cư.
Tuy nhiên, việc nuôi chó mèo còn tùy thuộc vào quy định riêng của từng chung cư, được đưa ra biểu quyết ở hội nghị nhà chung cư để ban hành quy định chung của chung cư đó.
Còn theo khoản 2.1 mục 2 phụ lục 15 Hướng dẫn phòng, chống bệnh dại động vật ban hành kèm theo thông tư số 07/2016 của bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì người nuôi chó mèo phải bảo đảm đúng quy định nuôi chó mèo tại chung cư, nơi đông người, như phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.
Đặc biệt khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt. Chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định. Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó.
Trường hợp chó mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại và bị phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Vậy nhiều trường hợp vi phạm việc nuôi chó mèo tại chung cư, người dân báo cho ai, người nào có đủ thẩm quyền xử lý? Cũng theo luật sư Hùng, căn cứ theo quy định tại nghị định 90 (sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 04 năm 2020), việc xử lý hành vi nuôi chó mèo không rọ mõm, không xích mà thả rông tại nơi công cộng thuộc thẩm quyền của UBND và trưởng công an cấp xã, phường.
Khi phát hiện vi phạm, người sống trong chung cư có quyền yêu cầu người chủ vật nuôi chấm dứt hành vi vi phạm. Nếu chủ vật nuôi vẫn tiếp tục vi phạm, cư dân có quyền thông báo cho tổ trưởng dân phố, ban quản lý chung cư, UBND xã, phường hoặc công an xã, phường sở tại để được giải quyết, xử lý.
Xử lý nghiêm vụ chủ chó đánh người
Ngày 7-2, Văn phòng UBND TP.HCM có công văn gửi UBND quận 7 về việc xử lý vụ người cha bảo vệ con trai ở trong chung cư bị chủ chó hành hung.
Theo đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức giao UBND quận 7 chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương xác minh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi nuôi thả động vật không rọ mõm, không đúng quy định và cố ý gây thương tích và báo cáo kết quả cho UBND TP.
Trước đó, ngày 6-2 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 7 thụ lý điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ một người đàn ông bị đánh vào mặt vì cản một con chó không rọ mõm... chạy tới gần con trai mình. Vụ việc xảy ra tại chung cư Saigon Riverside, phường Phú Thuận (quận 7) vào tối 2-2.
Ngày 7-2, Văn phòng UBND TP.HCM vừa có công văn gửi UBND quận 7 chỉ đạo xử lý vụ việc người cha bảo vệ con trai ở trong chung cư bị chủ chó hành hung.
Xem thêm: mth.54921702270203202-yl-ux-ia-uc-gnuhc-o-ohc-ioun-mahp-iv/nv.ertiout