Sáng 10-1, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của ngành văn hóa, thể thao TP.HCM, tại Nhà hát thành phố (TP.HCM).
Tham dự hội nghị có ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Trần Thế Thuận - giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa
Ông Võ Trọng Nam - phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - báo cáo kết quả thực hiện trong năm 2023 của ngành văn hóa, thể thao TP.HCM.
Theo đó, có 90 chương trình, nhiệm vụ công tác trọng tâm ban hành, kết quả đạt 100% chỉ tiêu nhiệm vụ.
Với những đóng góp này, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM nhận cờ thi đua của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trong năm 2023, TP.HCM tổ chức hơn 50 lễ hội, sự kiện, chuỗi sự kiện (tăng 160% so với năm 2022).
Điển hình sở phối hợp tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; vận động sáng tác, dàn dựng, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật; tổ chức Liên hoan âm nhạc quốc tế Hò Dô 2023, Liên hoan phim ngắn TP.HCM 2023;
Tổ chức hoạt động quảng bá âm nhạc truyền thống cách mạng; giới thiệu chân dung tác giả, tác phẩm các nhạc sĩ có những cống hiến cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Về đầu tư công, tổng ngân sách thành phố chi đầu tư kỳ trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 142.557 tỉ đồng.
Hiện ngành văn hóa và thể thao TP.HCM đầu tư 105 dự án, tổng mức đầu tư dự kiến 24.068 tỉ đồng.
Trong năm 2023, ngành được bố trí vốn đầu tư công khoảng 618 tỉ đồng.
Các công trình văn hóa, thể thao có quy mô lớn được tập trung đầu tư hiện nay như Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ (khởi công ngày 25-4-2023); đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng mới như Trung tâm đào tạo vận động viên năng khiếu, Nhà văn hóa Phụ nữ cơ sở 1, Nhà văn hóa Thanh niên; riêng Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã đưa vào sử dụng trong năm 2023.
Ngành văn hóa - thể thao tiếp tục đề xuất nguồn vốn ngân sách thực hiện 41 dự án, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 6.842 tỉ đồng.
Ông Dương Anh Đức đánh giá ngành văn hóa - thể thao thành phố là một trong những ngành thực hiện tốt công tác xã hội hóa, giúp người dân, du khách đến TP.HCM được hưởng thụ các dịch vụ, chương trình giải trí có ý nghĩa.
Năm 2024 tiếp tục nỗ lực và phát huy những thành tựu đã đạt được, trong đó các loại hình văn hóa, thể thao tổ chức tốt hơn, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch.
Ông Dương Anh Đức nhấn mạnh: "Năm 2024 tăng tốc, về đích, thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, cũng như nghị quyết 98/2023 về một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Một là nghiên cứu, phối hợp sở ngành thực hiện tốt việc xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, đặc biệt các công trình, dự án, chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hai là tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù của thành phố để bảo tồn các công trình có giá trị văn hóa đang có nguy cơ mai một; triển khai các loại hình nghệ thuật mới gắn với quảng bá du lịch.
Ba là chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa thành phố có chiều sâu, hiệu quả, thiết thực.
Bốn là rà soát, chú trọng phát triển thể thao thành tích cao song song với thể thao quần chúng".
Phát triển các chương trình nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật
Ông Võ Trọng Nam cũng đã nêu ra phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2024, hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống đất nước.
Cụ thể 10 phương hướng, nhiệm vụ gồm:
Thực hiện chỉ tiêu: "Người dân TP.HCM được hỗ trợ hướng dẫn tập luyện miễn phí chương trình cơ bản các môn thể dục thể thao, một loại hình nghệ thuật; được miễn phí tham quan các bảo tàng công lập; miễn phí xem các chương trình nghệ thuật do các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức".
Xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người văn hóa, lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.
Tham mưu các chương trình, dự án khuyến khích hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, quan tâm đầu tư công tác phát triển nguồn nhân lực tại các đơn vị.
Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng tham mưu cho cấp có thẩm quyền; tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách bất cập.
Tập trung xây dựng, phát triển các chương trình nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, triển lãm, bảo tàng đa dạng về hình thức, phong phú về thể loại, đặc sắc về nội dung; tổ chức cuộc vận động sáng tác và dàn dựng, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Thực hiện chuyển đổi số bảo tàng và di tích TP.HCM, thu hút khách tham quan và người dân thành phố đến bảo tàng.
Phát triển thể dục thể thao dành cho mọi người; hoàn thiện và trình phê duyệt đề án đăng cai tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026.
Triển khai có hiệu quả đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa, tham mưu thành lập Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa thành Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo, chú trọng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư triển khai thực hiện nhiệm vụ mời gọi nhà đầu tư có năng lực thực hiện đầu tư các dự án của ngành văn hóa và thể thao theo hình thức đối tác công tư.
Tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 2 tập thể và 7 cá nhân;
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng cờ thi đua cho Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM;
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen cho 2 tập thể và 2 cá nhân;
UBND TP.HCM tặng bằng khen cho hơn 20 cá nhân, tập thể cùng nhiều giải thưởng khác.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng cho rằng một hội nghị không thể giải quyết được hết vấn đề đặt ra, nhưng tin chúng ta sẽ vững tin hơn, có khí thế mới, động lực mới để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.