Ngày 10-1, giới làm cát nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) cho biết khoảng 4-5 ngày nay có rất nhiều sà lan cát nhập khẩu từ Campuchia bị ùn ứ tại đây. Nguyên nhân do vướng việc cấp mã số hàng hóa không trùng khớp giữa Hải quan và Sở Xây dựng tỉnh An Giang.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, theo quy định mới của Campuchia, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cát từ Campuchia về Việt Nam phải có giấy chấp thuận của Bộ Xây dựng Campuchia.
Đồng thời Sở Xây dựng ở Việt Nam cũng phải cấp xác nhận doanh nghiệp đó đủ điều kiện xuất nhập khẩu cát. Do đó, một số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhập khẩu cát thực hiện chưa xong nên phải chờ làm đủ hồ sơ, thủ tục mới được thông quan.
Ông Trần Thanh Vũ - phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh An Giang cho biết đơn vị chỉ kiểm tra, giám sát Nhà nước về cát tự nhiên dùng cho bê tông và vữa. Có mã số HS 2505.1000 theo Thông tư số 04/2023 ngày 30-6-2023 của Bộ Xây dựng.
Theo thông tư này, đối với hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu quy định tại phần quy chuẩn, người nhập khẩu phải thực hiện đăng ký kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thực hiện tại cơ quan kiểm tra tại địa phương nơi nhập khẩu sản phẩm hàng hóa.
Người nhập khẩu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng hàng hóa do mình nhập khẩu.
Nhưng theo hồ sơ cung cấp của một số doanh nghiệp đăng ký kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
"Trong tờ khai của doanh nghiệp, mã số hàng hóa ghi 2505.9000, theo văn bản của Bộ Tài chính. Nhưng thông tư 04 của Bộ Xây dựng thì không có mã này nên chúng tôi đã có văn bản cảnh báo gửi các doanh nghiệp và Hải quan để họ ghi đúng mã số HS 2505.1000 theo thông tư 04.
Từ cuối tuần qua đến bây giờ không thấy doanh nghiệp nào quay trở lại sở nữa. Do đó, việc nhập nhằng giữa 2 mã số 9000 hay 1000 là do Hải quan. Sở chỉ kiểm tra theo mã số có đuôi 1000 là cát tự nhiên dùng trong vữa và bê tông. Còn cát có mã số 9000 là dùng để san lấp, không cần Sở Xây dựng kiểm tra theo chất lượng sản phẩm, hàng hóa", ông Vũ cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Toàn - cục trưởng Cục Hải quan tỉnh An Giang, thông tư 04 của Bộ Xây dựng về việc kiểm tra, giám cát nhập khẩu có mã HS là 2505.1000. Đây là mã hàng hóa về cát Oxit Silit, hay còn gọi là cát trắng, cát biển.
Trong khi nhiều sà lan chở cát từ Campuchia về Việt Nam là cát sông, nên phải sử dụng mã số hàng hóa theo biểu thuế xuất nhập khẩu mà họ đã khai vào tờ khai hải quan. Cụ thể là mã 2505.9000 mới đúng.
"Chi cục Hải quan Vĩnh Xương báo cáo, để xử lý vướng mắc này phải hướng dẫn doanh nghiệp liên hệ Bộ Xây dựng để tháo gỡ. Hải quan mà chấp nhận theo văn bản của Sở Xây dựng An Giang khi áp dụng mã 2505.1000 là không được.
Vì hai cái này tréo ngoe nên phải do Bộ Xây dựng tháo gỡ mới được. Nói nôm na, mã hàng 1000 là cát biển, còn mã hàng 9000 là cát sông. Do đó, nếu doanh nghiệp điều chỉnh vào tờ khai theo như hướng dẫn của sở thì cũng không xong", ông Toàn nói.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh An Giang, đến thời điểm này có 17 doanh nghiệp làm tờ khai nhập khẩu cát từ Campuchia đi qua đường cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương.
Trước đó, ngày 30-6-2023, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã ký thông tư số 04/2023 về việc "ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng".
Theo đó, Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 16:2023/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 16:2023/BXD có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2024. Bãi bỏ Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 16:2019/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng ban hành kèm theo Thông tư số 19, ngày 31-12-2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
TTO - Tại cửa khẩu Tân Thanh và Hữu Nghị đang tồn 1.931 xe hàng hóa (trong đó có 1.442 xe hoa quả), do đó tỉnh Lạng Sơn sẽ kéo dài thời hạn tạm thời dừng tiếp nhận xe chở mặt hàng hoa quả tươi đến ngày 5-3.