Dự án đình trệ, nhà thầu khốn khổ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 02 ngày 9.1 chỉ đạo các Bộ: Xây dựng, GTVT, TN-MT cùng các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Thực tế thời gian qua, vướng mắc liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, khó khăn trong nguồn cung, khan hiếm nguyên vật liệu đang là thách thức rất lớn đối với ngành giao thông. Báo cáo mới đây của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết có tới 7 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch, nguyên nhân do các địa phương chưa thực hiện chuyển đổi rừng với các diện tích tăng thêm; công tác triển khai xây dựng các khu tái định cư chậm so với tiến độ đề ra; chưa di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật phức tạp (nhất là hệ thống điện cao thế). Đồng thời, thiếu nguồn cát để thi công nền đường, công suất chưa đáp ứng đủ, thủ tục mở các mỏ cát mới chậm. Thậm chí, nhiều nhà thầu gặp khó khăn trong việc thỏa thuận với các chủ sở hữu đất khu vực mỏ về chi phí chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất.
Tình trạng thiếu đất, cát đắp nền không chỉ xảy ra đối với các dự án cao tốc, dự án trọng điểm quốc gia mà còn ở các dự án xây dựng do địa phương làm chủ đầu tư. Từ đầu năm 2023, loạt dự án cao tốc, vành đai như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Cao Lãnh - An Hữu, Vành đai 3 TP.HCM… cùng được khởi công. Dù đã bố trí vốn, lựa chọn được nhà thầu nhưng tiến độ thi công chưa thể như kỳ vọng vì thiếu vật liệu đắp nền.
Dự án chậm tiến độ, các nhà thầu cũng trầy trật trong hàng loạt "vòng kim cô" về đơn giá định mức. Lãnh đạo một công ty phát triển hạ tầng giao thông cho biết để tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số cơ chế đặc thù để giao trực tiếp mỏ đất, đá cho nhà thầu thi công. Tuy nhiên, trên thực tế, thủ tục để giao mỏ cho nhà thầu cũng như việc nâng công suất mỏ để mở rộng nguồn cung vật liệu rất chậm và nhiều thủ tục rắc rối. Các cơ quan chức năng ở địa phương đều rất thận trọng trong việc xác nhận, thẩm định hồ sơ, dẫn đến thời gian cấp phép kéo dài, ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án. Chưa kể, hệ thống định mức, đơn giá vừa thiếu, vừa lệch xa so với thực tế đang khiến các doanh nghiệp xây dựng giao thông rơi vào tình trạng không nhận công trình thì công nhân không có việc làm, mà ký được hợp đồng lớn thì lại canh cánh lo thua lỗ.
"Trước đây làm dự án giao thông "ngán" nhất quy trình xét duyệt dự án, quy trình giải phóng mặt bằng, thỏa thuận dân cư. Giờ còn thêm khốn khổ vì khan hiếm nguyên vật liệu xây dựng. Không đàm phán được giá cả thì dự án ngưng trệ, nhiều nhà thầu lớn hiện cũng đang sống dở chết dở", đại diện nhà thầu nói trên chia sẻ.
Dùng cát biển đắp nền theo cơ chế đặc thù
Để nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các định mức đã được Bộ Xây dựng ban hành theo thẩm quyền, nhưng chưa phù hợp hoặc còn thiếu, báo cáo Thủ tướng trong tháng 4. Đồng thời, tích cực hướng dẫn, đôn đốc các địa phương công bố chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng (hằng quý hoặc sớm hơn nếu cần thiết), đơn giá nhân công xây dựng (hằng năm hoặc sớm hơn nếu cần thiết) bảo đảm kịp thời, đầy đủ, phù hợp với giá thị trường.
Đặc biệt, Bộ GTVT có trách nhiệm khẩn trương hoàn thành, báo cáo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án hạ tầng giao thông trước ngày 20.1; làm cơ sở để cấp phép khai thác, chủ động nguồn vật liệu, giảm phụ thuộc vào cát sông. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ TN-MT khẩn trương hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục khai thác cát biển đã được đánh giá tài nguyên để kịp thời khai thác phục vụ nhu cầu vật liệu san lấp cho các dự án đường cao tốc khu vực ĐBSCL theo cơ chế đặc thù.
Trước đó, Thủ tướng cũng đã nhiều lần đốc thúc các bộ ngành nghiên cứu dùng cát biển san lấp cao tốc, thay cát sông. Kết quả sau 1 năm nghiên cứu, đến cuối năm 2023, cơ quan chức năng đã xác định 145 triệu m3 cát biển ở Sóc Trăng có thể dùng làm vật liệu đắp nền cao tốc. Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã phối hợp Viện Khoa học và công nghệ GTVT, Viện Chiến lược và phát triển GTVT triển khai thi công dự án thí điểm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc cao tốc Hậu Giang - Cà Mau với thiết kế chiều dài đoạn thí điểm cát biển là 300 m dùng thi công cho các lớp cát đắp có độ chặt 95% (K95) có chiều dày lớp đắp cát biển từ 0,5 - 1 m.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cho biết kết quả thí nghiệm các chỉ tiêu cơ lý cho thấy cát biển khai thác từ mỏ cát tại Trà Vinh đáp ứng các yêu cầu đối với vật liệu đắp nền theo quy định của Tiêu chuẩn TCVN 9436:2012 - Nền đường ô tô - Thi công và nghiệm thu; công tác thi công cát biển được thực hiện tương tự cát sông và đạt yêu cầu về độ chặt K³0,95, chỉ số CBR và mô đun đàn hồi E của nền cát cho kết quả tương tự cát sông. Đồng thời, quá trình quan trắc nền đường hằng tháng đã chỉ ra độ lún đến giữa tháng 12 không có dấu hiệu bất thường và chuyển vị ngang là không đáng kể. Điều này sơ bộ khẳng định được độ ổn định của nền đường đến nay là bình thường. Về quan trắc các thông số môi trường sau 8 tháng, môi trường nền tại hai bên đoạn thử nghiệm đã bị nhiễm mặn trước khi thi công thí điểm và chưa có bằng chứng biểu hiện rõ ràng về việc sử dụng cát biển làm tăng độ mặn cũng như sự lan truyền của độ mặn vào môi trường xung quanh. Thực tế, khu vực này người dân canh tác theo mô hình lúa - tôm xen canh, thông thường 2 vụ tôm, 1 vụ lúa một cách bình thường.
"Sau khi được Bộ GTVT chấp thuận kết quả nghiên cứu, chúng tôi kiến nghị Bộ xem xét triển khai thử nghiệm mở rộng với quy mô lớn hơn đường cao tốc, ưu tiên các dự án tại khu vực tương tự khu vực đã triển khai thí điểm để có thể đánh giá được đầy đủ ảnh hưởng của tải trọng động với quy mô đường cao tốc về lâu dài. Bên cạnh đó, xem xét sử dụng cát biển đắp nền đường đối với các đường của địa phương trong khu vực ĐBSCL tại các khu vực có điều kiện môi trường tương tự với khu vực đã thực hiện thí điểm nhằm giảm áp lực cát sông. Trong đó, ưu tiên các dự án tại các vùng bị nhiễm mặn như Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau…", ông Trần Văn Thi thông tin.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã tạo ra những chuyển biến tích cực, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng. Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT đã chủ động, tích cực đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các dự án cho các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý định mức, giá xây dựng, quản lý vật liệu xây dựng thông thường đối với các dự án đầu tư xây dựng, nhất là các dự án giao thông trên cả nước.
(Công điện số 02 ngày 9.1 của Thủ tướng Chính phủ)