Vào tháng 7/2020, Chính phủ Đức quyết định tạm thời giảm thuế VAT đối với lĩnh vực dịch vụ ăn uống, nhà hàng từ 19% xuống 7%, để giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, sau nhiều lần gia hạn, biện pháp hỗ trợ này đã chính thức chấm dứt kể từ đầu năm 2024.
Việc thuế VAT tăng trở lại đang khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nhà hàng tại Đức vốn đã gặp khó vì lạm phát, nay lại càng khó khăn hơn, thậm chí đối mặt với nguy cơ đóng cửa.
Ông Rene Dost là nhà sáng lập một chuỗi nhà hàng tại Đức, với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành dịch vụ ăn uống. Ông cho biết, kể từ khi thuế VAT tăng trở lại mức 19% hồi đầu năm, nhà hàng của ông cũng như nhiều người khác vẫn lựa chọn giữ nguyên giá bán, để tránh mất khách. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, nỗ lực này khó có thể được duy trì lâu dài.
Ông Rene Dost - Chủ nhà hàng cho biết: "Sẽ rất khó kiếm được lợi nhuận vì chi phí hiện nay cao ngất ngưởng và nhiều nhà hàng phải tìm mọi cách để tiết kiệm chi phí. Từ năm 2020 đến nay, chúng tôi đã buộc phải tăng giá vài lần và cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến mọi thứ gần như sụp đổ hồi năm 2022. Tôi nghĩ, cuối cùng, chúng tôi cũng sẽ phải tăng giá thôi".
Ngành kinh doanh nhà hàng tại Đức chật vật khi thuế tăng trở lại. (Ảnh minh họa - Ảnh: Financial Times)
Đối với ngành dịch vụ ăn uống của Đức, chi phí nguyên vật liệu và nhân sự chiếm từ 60% đến 70% doanh thu. Do vậy, mức thuế VAT cao hơn đối với mặt hàng thực phẩm sẽ có tác động đặc biệt nghiêm trọng đến các doanh nghiệp.
Các cuộc khảo sát do Hiệp hội Khách sạn và Nhà hàng Liên bang Đức công bố gần đây cho thấy 62,7% số doanh nghiệp trong ngành đã chịu thiệt hại nặng nề do thuế suất tăng trở lại. 12% đang bên bờ vực phá sản và 5,2% đã xem xét việc ngừng hoạt động kinh doanh.
Bà Ingrid Hartges - Giám đốc điều hành Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Đức cho biết: "Chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát. Theo đó, hàng nghìn doanh nghiệp cho biết họ sẽ đóng cửa vì không nhận thấy triển vọng tích cực. Đây là một vấn đề cần được xem xét một cách nghiêm túc vào thời điểm không có nhiều doanh nghiệp mới được thành lập".
Việc thuế VAT gia tăng trở lại cũng có thể khiến áp lực giá cả tại Đức trở nên dai dẳng hơn. Các số liệu thống kê gần nhất cho thấy, lạm phát của Đức trong tháng 12 đã tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất trong 3 tháng qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.48033330111104202-auc-gnod-oc-yugn-oc-cud-iat-peihgn-hnaod-nihgn-gnah/et-hnik/nv.vtv