Theo các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 được cho là sẽ tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. CPI lõi (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động) được dự đoán sẽ tăng 0,3% so với tháng 11 và 3,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Vào thời điểm Fed đang cố gắng chống lại lạm phát thông qua chính sách lãi suất, thông tin về việc giá cả vẫn ở mức cao có thể ảnh hưởng tới thị trường vốn đã “mong manh”.
Jack McIntyre, nhà quản lý danh mục tại Brandywine Global Investment Management, nhận định: “Fed đã phát tín hiệu xoay trục chính sách và dữ liệu kinh tế phải hỗ trợ cho động thái đó”.
Chắc chắn có một “khoảng cách lớn” giữa những gì Fed đã chỉ ra về việc cắt giảm lãi suất và những gì thị trường đang mong đợi.
Sau nhiều tháng khẳng định rằng chưa thể nới lỏng chính sách tiền tệ, vào tháng 12 vừa qua ngân hàng trung ương Mỹ cho biết họ dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất khoảng ba lần, khoảng 0,75% điểm phần trăm vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, biên bản cuộc họp chính sách công bố tuần trước không chỉ ra bất kỳ thông tin nào về thời điểm cắt giảm. Thị trường lại có một góc nhìn khác.
Quan điểm trái chiều
Theo CME Group, các nhà đầu tư chỉ ra rằng khả năng lớn về việc Fed sẽ giảm lãi suất lần đầu vào tháng 3, sau đó tiến hành thêm 5 đợt khác cho đến cuối năm. Lãi suất chuẩn tại Mỹ sẽ giảm xuống phạm vi 3,75 - 4%.
Nếu các thông tin lạm phát mới, như dữ liệu CPI công bố vào ngày 11/1 và chỉ số giá sản xuất (PPI) vào ngày 12/1, không cho thấy những tín hiệu tích cực về lạm phát, thị trường chứng khoán có thể biến động mạnh hơn sau một khởi đầu khó khăn.
Một số tuyên bố công khai kể từ cuộc họp tháng 12 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang không thể hiện là họ sẵn sàng mất cảnh giác trước vấn đề lạm phát.
Thống đốc Fed Michelle Bowman cho biết dù bà dự đoán chiến dịch tăng lãi suất về cơ bản đã hoàn thành nhưng bà vẫn chưa cảm thấy sẵn sàng để hạ lãi suất.
Tương tự như vậy, Lorie Logan - Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas cũng đã chia sẻ hồi cuối tuần trước rằng bà không loại trừ khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất một lần nữa. Theo vị quan chức này, việc các điều kiện tài chính nới lỏng hơn - chẳng hạn như đà tăng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán vào 2023 hay sự trượt dốc của lợi suất trái phiếu kho bạc có thể khiến lạm phát bùng nổ trở lại.
“Nếu chúng tôi không duy trì các điều kiện tài chính đủ chặt chẽ, có nguy cơ lạm phát sẽ tăng trở lại và đảo ngược những tiến bộ mà Fed đã đạt được. Đừng loại trừ khả năng tăng lãi suất lần nữa”, bà Logan phát biểu.
Tìm điểm cân bằng
Tuy nhiên, bà Logan cũng cho rằng có lẽ đã đến lúc Fed suy nghĩ về việc giảm tốc độ thu hẹp bảng cân đối kế toán. Kể từ khi Fed bắt đầu chính sách thắt chặt vào tháng 6/2022, bảng cân đối kế toán của cơ quan này đã giảm hơn 1.200 tỷ USD.
Nhiệm vụ trọng tâm của Fed hiện nay là điều chỉnh chính sách sao cho không nới lỏng quá nhiều để khiến lạm phát quay trở lại mà cũng không thắt chặt quá mức để gây ra một cuộc suy thoái.
Joseph Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn thuế RSM nhận định rằng thị trường đang quá hào hứng khi kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất tới 6 lần. Ông dự đoán Fed chỉ hạ 4 lần trong năm 2024.
Đối với báo cáo lạm phát sắp được công bố, ông Brusuelas cho rằng: “Chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc tranh luận sôi nổi trên thị trường về việc lạm phát có quay trở lại mức 2% một cách bền vững hay không. Họ sẽ cần thấy sự cải thiện tốt để dự đoán thời điểm Fed điều chỉnh chính sách”.
Cựu Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida cho biết các nhà hoạch định chính sách có nhiều khả năng sẽ thực hiện một cách tiếp cận thận trọng hơn và ông cũng dự kiến chỉ cắt giảm 3 lần trong năm nay.
Theo CNBC