Câu chuyện này đã "gây bão" ý kiến từ bạn đọc bàn luận trong suốt ngày 10-1, sau khi được đăng tải trên Tuổi Trẻ Online.
Vì sao người dân quan tâm đến bảo hiểm y tế đến như vậy? Hiện có trên 92,3% người Việt có bảo hiểm y tế và đây là dịch vụ thiết thân của mọi gia đình.
Tuy nhiên, những phức tạp về thủ tục hành chính và chất lượng dịch vụ đang khiến bảo hiểm y tế có ích nhiều hơn với những người bệnh mãn tính, bệnh nặng, cần kỹ thuật cao, chi phí lớn.
Còn với người bệnh nhẹ, bệnh thông thường hoặc những người ít thời gian và e ngại thủ tục thì bảo hiểm y tế đúng là "trần ai khoai củ".
Thông thường người đi khám bảo hiểm phải bắt đầu từ cơ sở y tế họ đăng ký ban đầu, nhưng danh mục thuốc và kỹ thuật của các cơ sở này rất hạn chế, nên đa số người có thẻ đi khám chữa bệnh muốn chuyển lên tuyến trên.
Tuy nhiên việc này không dễ dàng bởi đa số muốn giữ bệnh nhân, do quy định hiện hành họ được "khoán" kinh phí trên số bệnh nhân đăng ký, bệnh nhân chuyển đi tức là họ phải chuyển cả tiền đi và không ai muốn.
Đó là chưa kể danh mục thuốc rất hạn chế nên người có nhu cầu sử dụng thuốc tốt hơn hay ít thời gian hơn dường như không bao giờ dùng đến bảo hiểm y tế nếu chỉ bệnh thông thường.
Nguyên tắc của bảo hiểm là chia sẻ khi rủi ro và nhiều người cùng đóng tiền dành cho người ốm đau, cần chi phí cao được hỗ trợ tài chính. Điều đó cũng đúng nhưng không có lý nào mà người ta cứ đóng mãi tiền để cho người khác hưởng, còn bản thân người đóng tiền ấy khi muốn dùng dịch vụ lại gặp chuyện trần ai.
Các quy định hiện hành dường như "bó" với người có nhu cầu thụ hưởng dịch vụ bảo hiểm y tế mức cao hơn, ví dụ khám ngoại trú là không được chi trả khi vượt tuyến hoặc chuyển tuyến tương đương nhưng chất lượng y tế tốt hơn, dù họ chấp nhận tỉ lệ chi trả thấp.
Nếu để ở một mặt bằng, bệnh viện không phát triển tốt, dịch vụ không tốt thì người bệnh sẽ đến cơ sở khác, tất yếu các bệnh viện sẽ phải năng động hơn để cạnh tranh, làm tốt hơn để thu hút bệnh nhân.
Nhưng do được thủ tục hành chính "chặn giúp" nên bệnh nhân không dám chuyển, bởi tự chuyển đi sẽ không được chi trả chi phí khám chữa bệnh, nên nhiều bệnh viện thành ra ngại đổi mới.
Chính bởi vậy, nhiều người nói khám bảo hiểm chỉ hợp với người nhiều thời gian, bệnh nhẹ. Chị N.H. chờ và khám gần 4 tiếng nhận đơn thuốc hơn 14.000 đồng chia sẻ thời gian khám cho chị chưa đến 1 phút.
"Tôi viêm xoang mãn mà khám lại ra viêm hô hấp cấp, tôi không đòi thuốc đắt tiền nhưng nếu thuốc có hơn 1.000 đồng/chai thì liệu có thể chữa được bệnh hay không?" - chị nói.
Gần đây các vấn đề liên quan đến bảo hiểm y tế đều được quan tâm, từ chuyện giấy chuyển tuyến nhiêu khê đến giờ là chuyện cấp thuốc cho người bệnh quá "hẻo" mà thời gian chờ dài, nhưng những tháo gỡ để người có bảo hiểm đỡ khó hơn khi đi khám chữa bệnh thì chưa đến đầu đến đũa.
Làm sao để chia nhóm những người tham gia, người có nhu cầu sử dụng dịch vụ cao hơn thì phí thế nào và cung cấp cho họ ra sao?
Làm sao để người bệnh khỏi phải đi lòng vòng qua 2-3 cơ sở y tế mới được chuyển tuyến mà thay bằng thủ tục thuận lợi hơn, đỡ mệt mỏi hơn? Vì như đã nói, chia sẻ nhưng không thể làm khó mãi cho người tham gia.
Mức thu lệ phí cấp giấy phép lái xe trực tuyến sẽ là 115.000 đồng. Thêm những trường hợp được hưởng bảo hiểm y tế 100%. Nhiều chính sách về lao động bảo hiểm, tài chính… có hiệu lực từ tháng 12-2023.