Sáng 11-1, ông Nguyễn Đức Lộc, giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết tỉnh đã gửi đi tờ trình đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ nâng hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với làng cổ Phước Tích.
Sau khi nhận được tờ trình này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiến hành họp Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia.
Nếu hội đồng thống nhất đồng ý cho Huế lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt đối với làng cổ Phước Tích thì bộ sẽ có văn bản phản hồi gửi về cho Huế để tỉnh này tiến hành các bước tiếp theo trong việc lập hồ sơ cụ thể.
"Hiện nay làng cổ Phước Tích đã được công nhận là di tích cấp quốc gia và đang được khai thác, bảo tồn khá tốt.
Nếu được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, tỉnh sẽ xây dựng thêm những đề án phát huy giá trị văn hóa của làng cổ Phước Tích, nhằm bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa đặc sắc ở nơi đây", ông Lộc nói.
Làng cổ Phước Tích nằm bên cạnh dòng sông Ô Lâu hiền hòa, sát với ranh giới của tỉnh Quảng Trị và từng nổi danh với nghề làm gốm truyền thống.
Đây là ngôi làng thứ hai của Việt Nam được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2009, sau làng cổ Đường Lâm ở Hà Nội.
Tại đây không gian làng quê đậm chất Bắc Trung bộ vẫn còn được lưu giữ các giá trị truyền thống một cách nguyên vẹn.
Với những lợi thế về quần thể nhà rường cổ, hệ thống di tích, đình, chùa, miếu, nhà thờ, di tích văn hoá Chăm Pa..., làng cổ Phước Tích ngày nay đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
TTO - Khi nhiều làng nghề dọc sông Thu Bồn muốn tàn lụi do thiếu mẫu mới và chậm thay đổi để thích nghi thị trường, làng gốm 500 năm tuổi Thanh Hà ở Hội An (Quảng Nam) vẫn biết cách tận dụng ảnh hưởng từ du lịch và sống khỏe.