Căng thẳng đang leo thang nhanh chóng tại Biển Đỏ khi ngày 9/1 vừa qua lực lượng Houthi đã thực hiện cuộc tấn công lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào các con tàu chở hàng đi qua khu vực này.
Ngày 9/1, lực lượng Houthi đã thực hiện hàng loạt cuộc tấn công bằng rocket và máy bay không người lái. Tuy cuộc tấn công này không gây thiệt hại về người và tàu hàng, nhưng vẫn làm dấy lên lo ngại toàn cầu về tình hình an ninh tại Biển Đỏ.
Căng thẳng leo thang đã khiến các tuyến đường qua Biển Đỏ, bao gồm cả kênh đào Suez, trở nên rủi ro và nhiều hãng tàu buộc phải chấp nhận đi các tuyến đường xa hơn với chi phí cao hơn, thời gian vận chuyển dài hơn.
"Ba hãng tàu lớn đã tuyên bố điều chỉnh tuyến đường vận tải từ Biển Đỏ sang Mũi hảo vọng ở Nam Phi, các con tàu chuyên chở dầu thô và khí đốt cũng đã thực hiện quyết định tương tự. Điều này sẽ đẩy giá vận tải và bảo hiểm hàng hóa tăng vọt. Tình hình căng thẳng hiện nay cần phải được giải quyết dù là thông qua đàm phán hay những cách thức khác mạnh mẽ hơn, bởi vì đây là tuyến đường thiết yếu với các con tàu chở hàng", ông Chris Parry, cựu chuyên gia an ninh Mỹ, cho biết.
Một chiếc trực thăng tiếp cận tàu chở hàng ở Biển Đỏ. (Ảnh: FT)
"Biển Đỏ có ý nghĩa vô cùng quan trọng với thương mại toàn cầu, bởi nó kết nối khu vực châu Á với Bắc Âu và cả bờ Đông của Mỹ. Nếu bạn nhìn vào thời gian di chuyển, các tuyến đường mới sẽ mất đến 18 ngày thay vì 10 ngày nếu đi qua Biển Đỏ. Tùy vào mỗi loại tàu mà chi phí có thể bị đội lên thêm hàng triệu USD mỗi tháng", ông Nils Haupt, hãng vận tải biển Hapag-Lloyd AG, nhận định.
Các nhà phân tích cho rằng căng thẳng hiện nay sẽ ảnh hưởng đến tình trạng lạm phát và chuỗi cung ứng nhưng tác động sẽ nhỏ hơn đáng kể so với thời đại dịch COVID-19. Nhiều nỗ lực đang được thực hiện nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang thành xung đột vũ trang trên đất liền.
"Hiện nay, chúng tôi đang có từ 500 - 600 tàu hoạt động tại khu vực này. Điều quan trọng nhất lúc này là ngăn không cho căng thẳng tiếp tục leo thang bởi các rủi ro đi kèm từ một cuộc chiến tranh trong khu vực là rất rõ ràng", ông Joshua Hutchinson, Công ty quản lý rủi ro hàng hải Ambrey, cho hay.
Một số nước đã áp dụng các chính sách hỗ trợ cho các công ty xuất khẩu trước ảnh hưởng từ căng thẳng trên Biển Đỏ. Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ cung cấp các tàu phục vụ cho xuất khẩu ô tô, đồng thời cung cấp thêm bãi chứa hàng và hỗ trợ tài chính nếu tình hình căng thẳng kéo dài.
VTV.vn - Việc các tàu chở hàng phải chuyển hướng do căng thẳng ở Biển Đỏ sẽ làm tăng thời gian hành trình và chi phí bổ sung đáng kể khoảng hơn 1 triệu USD cho mỗi chuyến đi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.60632135111104202-iam-gnouht-or-iur-gnat-mal-od-neib-iat-gnaht-oel-gnaht-gnac/et-hnik/nv.vtv