Sau gần 2 tuần xét xử và nghị án, chiều nay (12-1), Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã công bố bản án đưa ra phán quyết đối với cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và 37 bị cáo trong vụ án liên quan Công ty CP công nghệ Việt Á.
Trong khi cả nước chống dịch, Nguyễn Thanh Long lại hỗ trợ Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm
Đây là lần đầu tiên cả ba cựu ủy viên trung ương cùng bị đưa ra xét xử, lãnh án trong cùng một vụ gồm: cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng.
Tòa tuyên ông Nguyễn Thanh Long 18 năm tù về tội nhận hối lộ.
Cùng bị cáo buộc nhận hối lộ, ông Nguyễn Huỳnh (cựu phó phòng giá Cục Quản lý dược, cựu thư ký của ông Long) lãnh 9 năm tù.
Hai cựu vụ trưởng của Bộ Y tế gồm Nguyễn Minh Tuấn 8 năm tù và Nguyễn Nam Liên bị tuyên phạt 7 năm tù.
Theo bản án được tòa công bố chiều nay, bị cáo Phan Quốc Việt (tổng giám đốc Công ty Việt Á) với mục đích được sản xuất, bán kit xét nghiệm thu lời bất chính, đã cấu kết với cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, cựu thư ký Nguyễn Huỳnh, bị cáo Nguyễn Văn Trịnh (cựu trợ lý của nguyên phó thủ tướng) thực hiện nhiều hành vi sai phạm.
Để được nhóm cựu lãnh đạo tại các bộ ngành, địa phương can thiệp, giúp đỡ, tổng giám đốc Việt Á đã "thỏa thuận ăn chia", đưa tiền hối lộ, tiền cảm ơn nhiều lần tổng số 3,45 triệu USD và 4 tỉ đồng, bản luận tội nêu.
Hành vi của tổng giám đốc Việt Á bị cáo buộc gây thiệt hại số tiền hơn 1.200 tỉ, trong đó gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 431 tỉ. Tổng số tiền Phan Quốc Việt hối lộ các cựu quan chức trong vụ án này hơn 106 tỉ.
Trong đó, ông Nguyễn Thanh Long nhận hối lộ số tiền nhiều nhất, lên đến 2,25 triệu USD.
Tòa đánh giá ông Long thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tác động gia đình nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ. Cựu bộ trưởng được ghi nhận "hợp tác tốt với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án", quá trình công tác được tặng thưởng nhiều bằng khen nên được xem là tình tiết giảm nhẹ.
Trước đó, trong phần luận tội, viện kiểm sát cho rằng sai phạm của ông Nguyễn Thanh Long "kéo theo hàng loạt sai phạm của các bị cáo khác".
Trong khi Chính phủ và nhân dân đang gồng mình chống dịch thì ở cương vị bộ trưởng, người đứng đầu ngành y tế, ông Long đã can thiệp, chỉ đạo các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giúp Công ty Việt Á xuyên suốt quá trình từ cấp phép lưu hành đến hiệp thương giá kit xét nghiệm của công ty này theo giá đã bị nâng khống.
Trong khi ngân sách nhà nước đang phải gồng mình để bù đắp các thiệt hại do dịch bệnh gây ra, ông Long lại gợi ý, đề nghị Phan Quốc Việt chi số tiền đặc biệt lớn cho mình. Kết quả điều tra và thẩm vấn tại tòa đủ căn cứ xác định cựu bộ trưởng Long nhận hối lộ 2,25 triệu USD.
Quá trình xét hỏi, ông Long thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố nhưng khai rằng khi cựu thư ký Nguyễn Huỳnh đưa tiền cho mình đều nói "do Việt Á làm ăn được nên cảm ơn".
Ông Long nhiều lần khẳng định "không gợi ý, không đòi hỏi, không yêu cầu Phan Quốc Việt đưa tiền". Tuy nhiên, trong những lần được tòa cho đối chất, cựu thư ký Nguyễn Huỳnh đều khẳng định cựu bộ trưởng là người gợi ý Phan Quốc Việt đưa tiền "để lo công việc", và mỗi lần gợi ý cụ thể đưa 1 triệu USD.
Xin được giảm nhẹ vì sức khỏe suy kiệt trong thời gian tạm giam
Khi nói lời sau cùng, ông Long nhiều lần nghẹn giọng phân trần "rất xót xa, ân hận, đau khổ với vi phạm của bản thân". Ông xin được hưởng mức án nhẹ nhất có thể để ông được về với gia đình trong những năm tháng cuối đời.
Bào chữa cho ông Long, luật sư xin tòa giảm nhẹ mức phạt cho cựu bộ trưởng vì "sức khỏe ông suy kiệt nghiêm trọng sau thời gian dồn tâm chống COVID-19, mắt trái mất thị lực". Theo luật sư, hình phạt mà viện kiểm sát đề nghị với ông Long "nặng" thứ hai trong 38 bị cáo, sau Phan Quốc Việt.
Luật sư đưa ra nhiều dẫn chứng phân tích sai phạm của ông Long diễn ra trong "bối cảnh dịch bệnh đặc thù, đòi hỏi cách xử lý chưa từng có tiền lệ".
Luật sư đưa ra quan điểm bào chữa, cựu bộ trưởng đã thực hiện nhiệm vụ một cách "không vụ lợi", việc Phan Quốc Việt đưa tiền là "sự cảm ơn sau khi việc kinh doanh có lợi nhuận". Ông Long cũng được hơn 140 đồng nghiệp, giáo sư viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Vì sao 37/38 bị cáo được tuyên mức án dưới khung truy tố?
Trong phần công bố bản án, Hội đồng xét xử nhắc lại bối cảnh thế giới và Việt Nam đối mặt với dịch bệnh chưa có tiền lệ. Dịch COVID-19 khiến nhân dân hoang mang, hệ thống y tế và hạ tầng tại nhiều nơi bị quá tải, vỡ trận.
Đây là một trong các nguyên nhân làm phát sinh hành vi tội phạm của các bị cáo.
Tuy nhiên, tòa cũng đưa ra nhận định, hành vi phạm tội của các bị cáo là nghiêm trọng, xâm phạm trật tự an toàn xã hội, an toàn kinh tế, xâm phạm uy tín của các cơ quan, tổ chức, làm mất niềm tin trong nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước.
Hành vi sai phạm của các bị cáo là suy thoái tư tưởng, băng hoại đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức.
Do đó, Hội đồng xét xử sẽ đưa ra mức án nghiêm minh đối với nhóm "đi ngược lại lợi ích của nhân dân", đồng thời sẽ áp dụng chính sách khoan hồng, khoan hồng đặc biệt với nhóm bị cáo phạm tội vì áp lực chống dịch và không vụ lợi hoặc ít vụ lợi.
Các bị cáo đều được hưởng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án.
Các bị cáo cũng tích cực khắc phục hậu quả, nộp lại số tiền vụ lợi, trong đó nhiều người nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ.
Riêng bị cáo Nguyễn Văn Trịnh (cựu trợ lý của nguyên phó thủ tướng) được hưởng thêm một số tình tiết giảm nhẹ khác do tự thú về hành vi phạm tội, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác điều tra.
Cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh và hầu hết các bị cáo trong vụ Việt Á đều được đề nghị mức án dưới khung truy tố. Cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bị đề nghị mức án thấp nhất trong khung truy tố, từ 19-20 năm tù.