Khoan hồng đặc biệt với ông Danh vì "dám nghĩ dám làm"
Trong phiên tuyên án vụ Việt Á chiều nay (12-1), viện kiểm sát bất ngờ đưa ra một số đề nghị mới.
Trong đó, đáng chú ý viện kiểm sát bất ngờ đề nghị tòa tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho ông Nguyễn Thành Danh (cựu giám đốc CDC Bình Dương) và Trần Thanh Phong (cựu phó phòng tài chính kế toán CDC Bình Dương). Theo cơ quan công tố, cả hai người này đều không có yếu tố vụ lợi trong vụ án Việt Á.
Khi công bố bản án, hội đồng xét xử áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt tuyên miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Thành Danh.
Bị cáo Trần Thanh Phong bị tuyên phạt 24 tháng tù cho hưởng án treo.
Đối với bị cáo Lê Thị Hồng Xuyên (cựu nhân viên CDC tỉnh Bình Dương), trước khi tòa công bố bản án, viện kiểm sát đề nghị giảm nhẹ mức án còn 30 - 36 tháng tù cho hưởng án treo.
Bà Xuyên có hoàn cảnh khá ngặt nghèo, sau khi bị tạm giam, chồng bị cáo ở nhà đã gặp tai nạn giao thông, bị mất trí nhớ. Bị cáo là lao động chính trong gia đình, hoàn cảnh rất khó khăn, đang nuôi con nhỏ 5 tuổi.
Tuy nhiên, hội đồng xét xử tuyên phạt bà Xuyên 24 tháng tù.
Sở dĩ ông Danh là người duy nhất được miễn trách nhiệm hình sự vì tòa áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt. Tòa ghi nhận thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh, ông Danh đã có đơn xin nghỉ hưu trước thời hạn.
Tuy nhiên khi dịch bệnh bùng phát ở Bình Dương, khi được yêu cầu ông Danh đã đồng ý ở lại để tham gia chống dịch.
Theo bản án, ông Danh nhận thức rõ hành động của mình khi đó có thể dẫn tới việc bị xử lý, xong vẫn "dám nghĩ dám làm" và không ngại vất vả "vì sức khỏe đồng bào".
Trong vụ án này ông Danh được ghi nhận là "trường hợp khác biệt" đã "không tư lợi" khi nhiều lần kiên quyết từ chối nhận tiền của Công ty Việt Á.
Ông cũng nhiều lần cảnh báo cấp dưới tránh sai phạm trong quá trình chống dịch.
Nhận hối lộ 27 tỉ, cựu giám đốc CDC Hải Dương lãnh 13 năm tù
Trái ngược với việc kiên quyết từ chối nhận tiền của ông Danh, bị cáo Phạm Duy Tuyến (cựu giám đốc CDC Hải Dương) bị cáo buộc nhiều lần nhận hối lộ từ tổng giám đốc Việt Á tổng số tiền 27 tỉ đồng.
Tòa tuyên phạt ông Tuyến 13 năm tù về tội nhận hối lộ.
Khai tại tòa, ông Tuyến cho rằng nhận thức tổng giám đốc Việt Á chi tiền cho mình là "khoản tiền chia sẻ hậu đãi" nên không vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên ông Tuyến lại mượn tài khoản của nhiều người thân để phía Công ty Việt Á chuyển tiền mà không dùng tài khoản cá nhân hoặc tài khoản CDC Hải Dương. Hội đồng xét xử đánh giá lời khai này của ông Tuyến là rất mâu thuẫn.
Sau khi nhận số tiền trên, ông Tuyến đã ba lần đưa cho ông Phạm Xuân Thăng (cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) tổng 600 triệu đồng và 50.000 USD và đưa cho Phạm Mạnh Cường (cựu giám đốc Sở Y tế) tổng 7 tỉ đồng.
Ông Lâm Văn Tuấn, cựu giám đốc CDC tỉnh Bắc Giang, bị tòa tuyên phạt 5 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Tuấn có hành vi nhận 2 sổ tiết kiệm trị giá 5 tỉ từ doanh nghiệp phân phối kit xét nghiệm cho Việt Á. Sau khi cựu giám đốc CDC Hải Dương bị khởi tố, ông Tuấn đã mang trả lại 2 sổ tiết kiệm này.
Trong số 38 bị cáo, có 5 người bị tòa phạt tù nhưng cho hưởng án treo gồm: Nguyễn Thị Trang (cựu giám đốc Trung tâm Tư vấn và dịch vụ tài chính, Sở Tài chính Hải Dương), Vũ Văn Doanh (giám đốc Công ty thẩm định giá Thăng Long), Hồ Công Hiếu (thẩm định viên Công ty thẩm định giá Miền Nam, chi nhánh Nghệ An), Trần Thanh Phong (phó phòng tài chính, CDC Bình Dương), Nguyễn Bạch Thùy Linh (giám đốc Công ty SNB Holdings).
Viện kiểm sát cho rằng cần xem xét thêm một số tình tiết giảm nhẹ của một số bị cáo trong vụ Việt Á, đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho hai người, trong đó có cựu giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh.