Theo bà Trang Bùi, BĐS khu Tây Tp.HCM, đặc biệt khu vực Long An đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Ở các tỉnh phía Nam, nếu Bình Dương, Đồng Nai đã phát triển vượt trội thời gian dài thì Long An lại là tỉnh đang ẩn nhiều lợi thế để phát triển kinh tế trong giai đoạn tới. Các chuyên gia nhận định, vị trí của khu Tây nói chung, Long An nói riêng sẽ phát triển tốt trong tương lai. Hiện nay, có nhiều NĐT trong và ngoài nước đã có quỹ đất và tham gia đầu tư tại thị trường này. Chưa kể, Long An là cửa ngõ của Đồng bằng sông cửu long để vào Tp.HCM, nên việc đón các NĐT nước ngoài vào đầu tư, theo bà Trang là điều không phải khó.
Vị chuyên gia này cho rằng, hiện nay các NĐT cá nhân đang bắt đầu để ý đến thị trường khu Tây Tp.HCM. Lý do, giá chi phí đầu tư thấp hơn khu Đông. Đối với những NĐT có năng lực tài chính thì việc nắm giữ tài sản để chờ cơ hội phát triển tại thị trường này là rất khả thi.
Hiện nay, nơi đây đang xuất hiện nhiều dự án lớn cùng các CĐT có tên tuổi trên thị trường đổ về đây làm dự án. Trong đầu tư, theo bà Trang cách tốt nhất là NĐT phân tán theo rủi ro, đặc biệt với những NĐT có tiềm lực tài chính. Thay vì "bỏ trứng hết vào một giỏ", NĐT nên phân tán dòng tiền ra khu Đông một ít, khu Tây một ít để đảm bảo độ an toàn, khi mà nhìn thấy rõ cơ hội phát triển dài hạn của thị trường khu vực đó.
Bà Trang Bùi, Giám đốc Thị trường JLL
"Ở một thị trường chưa hình thành rõ ràng như khu Tây, NĐT sẽ kiếm được lợi nhuận hơn, mức độ tăng trưởng lợi nhuận chắc chắn sẽ cao hơn ở các thị trường đã phát triển trước đó. Thậm chí có thể tăng gấp 2-5 lần khi dự án hình thành. Còn ở khu vực đã có quá nhiều NĐT đến thì chắc chắn nguồn sinh lợi sẽ không bằng các thị trường đang nhiều tiềm năng trong tương lai", bà Trang Bùi nhấn mạnh.
Khi được hỏi, với bối cảnh Covid-19 như hiện nay, NĐT vào thị trường khu Tây Sài Gòn cần lưu ý gì, chuyên gia JLL chia sẻ, ở một thị trường đang có tiềm năng phát triển, chúng ta không thể dự đoán chính xác được thời điểm 3 năm, 5 năm hay 10 năm có thể kiếm lợi được. Không ai dự đoán được thời điểm chính xác tăng trưởng về giá khi NĐT bỏ vốn vào.
Tuy nhiên, NĐT phải biết cách nhìn nhận tiềm năng của thị trường đó, dự án đó để tính toán được thời gian, mức lợi nhuận cụ thể đạt được. Theo đó, bà Trang cho rằng, việc quyết định đầu tư ở khu vực phía Tây, NĐT cần tìm hiểu rõ thế mạnh dự án đang đầu tư, có thông tin tổng hợp, khu này khi nào bắt đầu hình thành nên một điểm thu hút người dân về ở.
Bên cạnh đó, nếu là NĐT cá nhân, đầu tư một dự án quá lớn thì cần nắm rõ tiến độ phát triển của khu đô thị đó là khi nào, có sự rủi ro nào khi khu đô thị này không phát triển đúng tiến độ?
Còn chia sẻ tại hội thảo "BĐS thời kì mới – đầu tư vào đâu"?, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam nhấn mạnh, khu Tây Tp.HCM, đặc biệt khu vực Long An đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các NĐT nhỏ lẻ, bởi đây là thị trường còn dồi dào quỹ đất, sản phẩm, nhất là trong bối cảnh thị trường Tp.HCM đang gặp nhiều khó khăn về nguồn cung, giá tăng cao.
Trước câu hỏi, Long An hiện có nhiều khu công nghiệp, hạ tầng, liệu nơi đây có trở thành "ngôi sao sáng" trong tầm ngắm của NĐT như Bình Dương, Đồng Nai trước đây hay không, ông Kiệt cho rằng, trong 1 tháng trở lại đây, CBRE nhận được nhiều yêu cầu tìm kiếm quỹ đất, đặc biệt quỹ đất KCN tại Long An. Trong xu hướng dịch chuyển nhà máy về Việt Nam, nhiều NĐT đã chọn Long An bởi nơi đây gần Tp.HCM, kết nối thuận tiện về TP qua tuyến cao tốc Tp.HCM - Trung Lương hay cao tốc Bến Lức Long Thành đang được xây dựng. Các tuyến cao tốc này tạo động lực cho thị trường BĐS nơi đây phát triển.
Bên cạnh BĐS công nghiệp thì BĐS nhà ở cũng phát triển theo. Hiện tại nhiều chủ đầu tư chính thức triển khai dự án ở đây dù họ đã có trong tay quỹ đất nhiều năm trước. Chính các dự án mới phát triển thu hút được nhiều NĐT đổ về khu vực này.
"Nguyên nhân là do Tp.HCM sụt giảm về nguồn cung nên các khu vực vùng ven Tp.HCM có cơ hội. Long An là cơ hội đầu tư mới cho các NĐT, trong các tháng cuối năm đến năm 2021 sẽ có nhiều dự án mới được triển khai và NĐT sẽ có nhiều lựa chọn hơn tại thị trường này", ông Kiệt nhấn mạnh.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam
Vì sao Long An lại thu hút các NĐT BĐS, theo ông Kiệt, thực ra những vùng ven như Bình Dương, Đồng Nai hay Long An xưa nay đã thu hút sự quan tâm của các NĐT, tuy nhiên không được sôi động như trong thời gian gần đây. Với BĐS khu Tây nói chung, Long An nói riêng đang được hưởng lợi thế từ yếu tố hạ tầng rất tốt, là lý do hút NĐT đổ về đón đầu.
Chẳng hạn, 7 tuyến đường nối Long An – Tp.HCM sẽ được nâng cấp, mở rộng từ 4 làn lên 6 làn xe, tổng kinh phí 24.400 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025. Các tuyến đường trong dự án bao gồm: Nguyễn Văn Bứa (Hóc Môn) - ĐT824 (Đức Hòa), tổng vốn 2.800 tỷ đồng. Quốc lộ 50 qua Bình Chánh - Cần Giuộc, tổng vốn gần 1.500 tỷ đồng. Đường Lê Văn Lương (Nhà Bè) - ĐT826C (Cần Giuộc), vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng. Đường Long Hậu (Nhà Bè) - ĐT826E (Cần Giuộc) 5.100 tỷ đồng.
Cùng với đó, đầu tư xây dựng tuyến đường song song quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) - đường trục động lực (Cần Giuộc), tổng chiều dài hơn 8,6 km, kinh phí 4.300 tỷ đồng.
Đặc biệt, theo thông tin từ Sở GTVT, tuyến ĐT827E là trục động lực kết nối Tp.HCM - Long An - Tiền Giang dự kiến được đầu tư với số vốn hơn 20.000 tỉ đồng có ý nghĩa chiến lược, nâng tầm hệ thống GTVT của tỉnh. Tuyến đường động lực này sẽ kéo dài qua tỉnh Tiền Giang, Long An và Tp.HCM. Trong đó, đoạn qua tỉnh Long An dài nhất, dự kiến khoảng 35km, kết nối với tỉnh Tiền Giang tại huyện Châu Thành, qua Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc trước khi kéo dài đến Tp.HCM. Công trình trọng điểm này khi hoàn thành sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông cho các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc cũng như của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Đồng thời, đây cũng là công trình được kỳ vọng không chỉ cho Long An mà còn cho cả khu vực Tây Nam bộ trong phát triển KT-XH. Từ đó thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ăn theo.
Bên cạnh hạ tầng, Long An còn là "Địa chỉ đỏ" thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 2001, nhà đầu tư nước ngoài mới bắt đầu chú ý đến Long An, nhưng chỉ 5 năm sau, Long An đã thu hút được 97 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký 400 triệu USD - một con số "nằm mơ" đối với tỉnh lúc này. Từ 2006 đến 2010, FDI tăng lên 355 dự án, tổng vốn đăng ký 3,2 tỷ USD (tăng 3,7 lần về số dự án và tăng 8,1 lần về vốn so với giai đoạn 2001-2005). Và 10 năm sau (năm 2020), FDI toàn tỉnh là 1.059 dự án, với vốn đăng ký 6,496 tỉ USD, trong đó, 585 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện khoảng 3,624 tỉ USD. Các dự án FDI đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Đài Loan đứng đầu cả về số dự án và vốn đầu tư, tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ…
Ngoài ra, quỹ đất dồi dào, giá mềm cũng đang là lợi thế của tỉnh này trong thu hút dòng tiền của NĐT. Theo ông Kiệt, nếu so với khu Đông, mặt bằng giá BĐS khu Tây còn mềm, dư địa tăng giá vì thế còn cao. Đó là lý do thời gian gần đây, nhiều NĐT cá nhân đổ về đây tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là ở các dự án được quy hoạch bài bản, tiện ích đồng bộ.
Theo ông Kiệt, Đồng Nai, Bình Dương hay Long An đang là những thị trường quyết định nguồn cung lớn trong năm 2020 và các năm tới. Trong đó, sản phẩm nhà phố, đất nền vẫn được ưu chuộng, nhất là các dự án có chủ đầu tư uy tín và pháp lý rõ ràng. Mỗi khu vực đều có một tiềm năng lợi thế riêng và tuỳ vào mức am hiểu của NĐT để quyết định nên đầu tư ở đâu? Tuy nhiên, trong làn sóng thông tin, NĐT cần phải tìm hiểu kỹ và sàng lọc để không chịu rủi ro. NĐT không nên đầu tư theo tâm lý đám đông.
Ông Kiệt cũng cho rằng, thị trường vùng ven năm vừa qua cũng chịu tác động lớn từ hệ luỵ của những dự án ma. Nhiều nhà đầu tư có tâm lý lo ngại về dự án ảo, pháp lý không thể triển khai được cùng nhiều yếu tố khác. Vì thế, việc lựa chọn sản phẩm dựa vào vị trí và hạ tầng. Hiện nay xu hướng có thay đổi. Vị trí, pháp lý và uy tín là yếu tố cân nhắc khi đưa ra quyết định đầu tư.
Phương Nga
Theo Trí Thức Trẻ