Biển Đỏ và kênh đào Suez là một tuyến đường vận chuyển quan trọng, với khoảng 12% lượng hàng hóa thế giới đi qua.
Cuộc tấn công vào các căn cứ của Houthi ở Yemen, diễn ra một ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu lên án Houthi “bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất”.
Mỹ, Anh giội tên lửa Tomahawk vào Yemen để trả đũa Houthi
Mối quan hệ của phiến quân Houthi với Hamas
Người Houthi, do Abdul-Malik al-Houthi lãnh đạo - là một nhóm nổi dậy người Shiite được Iran hậu thuẫn - đã chiến đấu chống lại Chính phủ Yemen trong khoảng 2 thập kỷ và hiện kiểm soát vùng tây bắc và thủ đô Sana của đất nước này.
Họ đã xây dựng hệ tư tưởng của mình xung quanh việc phản đối Israel và Mỹ - coi mình là một phần của “trục kháng chiến” do Iran lãnh đạo, sát cánh với Hamas ở Dải Gaza và Hezbollah ở Lebanon.
Năm 2014, một liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp, nhằm cố gắng khôi phục chính phủ ban đầu của đất nước Yemen sau khi người Houthi chiếm thủ đô.
Một cuộc nội chiến bắt đầu khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng.
Tháng 4-2023, các cuộc đàm phán giữa người Houthi và Saudi Arabia đã làm dấy lên hy vọng về một thỏa thuận hòa bình - có khả năng công nhận quyền cai trị miền bắc Yemen của người Houthi.
Tại sao Houthi tấn công tàu thuyền ở Biển Đỏ?
Khi cuộc chiến Israel - Hamas bắt đầu vào ngày 7-10-2023, Houthi tuyên bố ủng hộ Hamas và cho biết họ sẽ nhắm mục tiêu vào bất kỳ tàu nào đến Israel hoặc rời khỏi đó.
Yahya Sarea, phát ngôn viên của Houthi, thường xuyên nói nhóm này đang tấn công các tàu để phản đối việc “giết chóc, phá hủy và bao vây” ở Gaza và thể hiện tình đoàn kết với người dân Palestine.
Kể từ tháng 11-2023, lực lượng Houthi đã tiến hành 27 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ và vịnh Aden được cho rằng đang hướng tới hoặc rời khỏi các cảng của Israel.
Có lẽ hoạt động táo bạo nhất của Houthi diễn ra vào ngày 19-11-2023, khi các tay súng cướp một con tàu có tên Galaxy Leader và đưa nó đến một cảng của Yemen, đồng thời bắt giữ 25 thành viên thủy thủ đoàn, chủ yếu là người Philippines.
Phát biểu với các phóng viên ở Bahrain hôm 10-1, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken cảnh báo các cuộc tấn công tiếp tục của Houthi ở Biển Đỏ có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và từ đó làm tăng chi phí cho hàng hóa hàng ngày.
Ông nói các cuộc tấn công của người Houthi đã ảnh hưởng đến các tàu liên quan đến hơn 40 quốc gia.
“Con giun xéo mãi cũng oằn”
Chính quyền Tổng thống Biden liên tục lên án các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ và tập hợp một lực lượng đặc nhiệm hải quân để cố gắng làm chủ tình thế.
Lực lượng đặc nhiệm, được gọi là "Chiến dịch người bảo vệ thịnh vượng", tập hợp Mỹ, Anh và các đồng minh khác tuần tra Biển Đỏ. Theo ông Blinken, để “bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển” và “vận tải đường biển”.
Bahrain là quốc gia Trung Đông duy nhất đồng ý tham gia.
Các nhà phân tích cho biết mặc dù nhiều quốc gia trong khu vực phụ thuộc vào thương mại đi qua Biển Đỏ, nhưng họ không muốn liên kết với Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Israel.
Các tàu chiến của Mỹ và Anh đã đánh chặn một số tên lửa và máy bay không người lái của Houthi trước khi chúng tiếp cận mục tiêu.
Hôm 10-1, trong một tuyên bố, Bộ chỉ huy trung tâm chiến dịch cho biết các chiến đấu cơ thuộc hàng không mẫu hạm Dwight D. Eisenhower cùng với 4 tàu chiến khác đã chặn 18 máy bay không người lái, 2 tên lửa hành trình chống hạm và 1 tên lửa đạn đạo chống hạm.
Trước đó, ngày 31-12, trực thăng của Hải quân Mỹ đã đánh chìm 3 tàu Houthi đang tấn công một tàu chở hàng thương mại.
Và "con giun xéo mãi cũng oằn", Mỹ và đồng minh ngày 12-1 đã trực tiếp nã tên lửa Tomahawk vào các căn cứ Houthi ở Yemen để trả đũa.
Thủ lĩnh phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn không những đe dọa đáp trả Mỹ và Anh sau khi hai nước này tập kích vào Yemen mà còn tuyên bố sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn trước.