Gần đây, lực lượng Houthi (Yemen) gia tăng tập kích tàu hàng đi qua Biển Đỏ sau khi chiến sự Israel - Hamas bùng phát hồi đầu tháng 10/2023. Họ tuyên bố hành động này nhằm bày tỏ đoàn kết với người Palestine tại Dải Gaza. Quân đội Mỹ và các đồng minh đã tăng cường an ninh hàng hải tại Biển Đỏ, nhưng các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn.
Các tàu container vì thế phải tránh đi qua kênh đào Suez - tuyến đường thủy nối châu Á với châu Âu và Mỹ. Điều này khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, kéo giá sản phẩm lên cao đúng thời điểm cả thế giới đang trong cuộc chiến chống lạm phát. Kênh đào Suez hiện đóng góp 10-15% thương mại toàn cầu và khoảng 30% khối lượng vận tải biển bằng container của cả thế giới.
Khi căng thẳng leo thang, giới phân tích nhận định kinh tế toàn cầu ít nhiều cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Reuters đưa tin hãng xe điện Tesla gần như dừng sản xuất tại nhà máy ở Đức, do các vụ tấn công khiến nguồn cung phụ tùng của họ bị gián đoạn. Volvo Car tuần tới cũng sẽ dừng sản xuất 3 ngày tại nhà máy ở Bỉ, để chờ nguồn cung.
Các hãng bán lẻ, như Ikea (Thụy Điển), Next (Anh), đã phát cảnh báo việc giao hàng chậm trễ, thiếu hàng và chi phí vận chuyển bằng đường biển tăng. Hãng giày dép Crocs nói rằng hàng hóa của họ vận chuyển sang châu Âu có thể mất thêm hai tuần. Crocs đánh giá sự việc "chưa có tác động" lên việc kinh doanh của họ, nhưng vẫn sẽ theo dõi sát sao.
Một số đã bắt đầu nghĩ đến phương án dự phòng. Abercrombie & Fitch thậm chí lên kế hoạch vận chuyển bằng đường hàng không để tránh bị chậm trễ.
Giá dầu cũng đang tăng cao. Dầu Brent và WTI phiên 12/1 có thời điểm tăng 3%, do lo ngại cuộc chiến trong khu vực này lan rộng, gây gián đoạn nguồn cung.
Trong báo cáo công bố hồi đầu tuần, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo việc gián đoạn với các chuỗi vận tải hàng hóa chủ chốt "đang khoét sâu vào điểm yếu trong chuỗi cung ứng và tăng rủi ro lạm phát". Hiện tại, 6 trong 10 hãng vận tải container lớn nhất thế giới, gồm Maersk, MSC, Hapag-Lloyd, CMA CGM, ZIM và ONE đã gần như hoàn toàn dừng đi qua Biển Đỏ.
Các tàu buộc phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, khiến hành trình kéo dài thêm vài tuần. CEO Maersk Vincent Clerc hôm 11/1 cho biết trên Financial Times rằng việc thiết lập lại an ninh tại Biển Đỏ có thể mất "nhiều tháng". Vì thế, "điều này có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng với tăng trưởng kinh tế toàn cầu", ông nói.
Cùng ngày, Viện Kinh tế Thế giới Kiel (Đức) ước tính các vụ tấn công tàu hàng trên Biển Đỏ khiến thương mại toàn cầu giảm 1,3% trong tháng 12 so với tháng 11. Chi phí vận tải tăng cũng kéo giá cả với người tiêu dùng lên cao. "Việc gián đoạn càng kéo dài, hiệu ứng stagflation (tăng trưởng chậm kèm suy thoái) lên kinh tế toàn cầu càng mạnh", Mohamed A. El Erian - kinh tế trưởng tại Allianz tuần trước cho biết trên X.
Nếu xung đột Israel-Hamas leo thang thành căng thẳng khu vực, hoặc lực lượng Houthi chuyển hướng tấn công sang các tàu dầu và tàu chở nguyên liệu thiết yếu như ngũ cốc, quặng sắt, gỗ, hậu quả với kinh tế toàn cầu sẽ càng nghiêm trọng.
"Nếu căng thẳng leo thang, nguồn cung năng lượng có thể bị gián đoạn nghiêm trọng, kéo giá lên cao. Việc này có thể gây hiệu ứng lan tỏa sang giá các hàng hóa khác", báo cáo của WB viết.
Capital Economics cũng cho rằng rủi ro với giá năng lượng là lớn nhất. "Dù các gián đoạn vận tải hiện tại chưa thể đảo ngược xu hướng lạm phát hạ nhiệt trên toàn cầu, căng thẳng quân sự leo thang vẫn sẽ kéo giá năng lượng lên cao, ảnh hưởng đến người tiêu dùng", các nhà kinh tế học tại đây nhận định.
Oxford Economics cũng dự báo lạm phát chung tiếp tục hạ nhiệt. Tuy nhiên, rủi ro tăng giá vẫn còn. Giá vận chuyển bằng container hiện cao gấp đôi đầu tháng 12. Nếu việc này kéo dài, lạm phát toàn cầu có thể tăng 0,6%.
Tình hình vài tuần tới có thể còn tệ hơn, khi các tàu hàng gấp rút vận chuyển sản phẩm ra khỏi Trung Quốc, trước khi các nhà máy nước này nghỉ Tết Nguyên đán. "5 tuần trước Tết Nguyên đán sẽ là thời kỳ rất khó khăn với ngành vận tải", Philip Damas - Giám đốc hãng tư vấn vận tải biển Drewry Supply Chain Advisors nhận định trên CNN.
Ngành vận tải gần đây vốn đang gặp khó, khi kênh đào Panama nhiều tháng qua cũng chịu sức ép vì thời tiết khô hạn. "Với các công ty phải chuyển hàng hóa trên khắp thế giới, tình hình hiện tại rất khó khăn. Kênh đào Panama không đi được, mà kênh đào Suez cũng vậy", Carolina Klint - chuyên gia tại hãng tư vấn Marsh McLennan cho biết.
Giới phân tích cho rằng tình trạng khó khăn hiện tại sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa. Kể cả nếu các cuộc tấn công dừng lại ngay hôm nay, cho phép phần lớn tàu thuyền di chuyển qua Biển Đỏ, các tác động ban đầu vẫn sẽ tồn tại. "Việc gián đoạn và chậm trễ sẽ phải một một thời gian dài nữa mới được giải quyết", Matthew Burgess - Phó giám đốc hãng logistics C.H. Robinson nhận định.
Hà Thu (tổng hợp)