Báo Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến các chuyên gia:
TS Trần Đức Cảnh (chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ, chủ tịch Viện phát triển giáo dục Đại học Sài Gòn):
Chuyển thành mô hình đại học không vì lợi nhuận
Nhiều trường đại học không tuyển được người học, có phải trường đại học ở Việt Nam quá nhiều so với nhu cầu? Tôi không cho là như vậy. Thống kê cho thấy chỉ có 12% người Việt Nam từ 25 tuổi trở lên có bằng đại học. Tỉ lệ này chỉ bằng 1/3 so với các nước phát triển.
Chúng ta đặt mục tiêu công nghiệp hóa, phát triển kinh tế tri thức nhưng tỉ lệ người qua đào tạo đại học như thế này rõ ràng chưa đáp ứng đủ theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Đóng cửa, giải thể hay sáp nhập trường đại học yếu kém là biện pháp dễ nhất khi sắp xếp lại hệ thống giáo dục đại học. Tuy nhiên, vẫn có những giải pháp khác có thể tham khảo để hệ thống phát triển hài hòa.
Có thể cho phép trường đại học địa phương được đào tạo hệ cao đẳng và hệ này nằm trong hệ thống đại học, có thể liên thông nếu muốn, độc lập với hệ cao đẳng nghề. Điều này có thể giúp các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương vừa giải quyết bài toán tài chính, ngân sách.
Mô hình đại học cộng đồng ở Mỹ cũng là cách tham khảo. Các đại học cộng đồng đào tạo chương trình 2 năm, sinh viên có thể đi làm hoặc có thể chuyển tiếp hoàn thành đại học 4 năm ở các đại học khác. Trường đại học địa phương Việt Nam có thể áp dụng mô hình này.
Ngoài ra, dù chưa có tiền lệ nhưng có thể thí điểm chuyển một số trường đại học địa phương thành loại hình trường đại học không vì lợi nhuận. Dĩ nhiên phải đảm bảo không làm thất thoát tài sản nhà nước đã giao.
Tài sản này không thuộc cá nhân hay tổ chức nào, có người đứng ra điều hành trường và tự tìm kinh phí hoạt động. Nguồn thu có được tái đầu tư cho trường chứ không chia. 18/20 đại học hàng đầu của Mỹ hiện nay là trường tư không vì lợi nhuận.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):
Tính toán mô hình đại học sẻ chia
Việc các trường địa phương khó khăn có nhiều nguyên nhân. Cơ sở vật chất kém, đội ngũ giảng viên thiếu và yếu do thu nhập thấp khiến chảy máu chất xám và không thu hút được người giỏi.
Phương pháp dạy và học lạc hậu, kinh tế địa phương không phát triển nên không có chỗ thực tập và làm việc cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Cơ cấu ngành nghề không đa dạng do nâng cấp từ cao đẳng sư phạm, không có chỗ thực tập và việc làm ít nên tâm lý học sinh đua nhau vào các thành phố lớn học.
Để giải quyết tình trạng này, trước hết các trường phải mạnh dạn bỏ những ngành cũ kỹ không tuyển sinh được, loại bớt giảng viên yếu, phải nâng cao chất lượng đào tạo. Ở tầm vĩ mô, tôi cho rằng mô hình đại học sẻ chia sẽ phù hợp. Các trường ĐH địa phương đào tạo 2 năm đầu, 2 năm cuối chuyển tiếp vào trường đại học lớn
Dĩ nhiên để làm được điều này, phải có chuẩn chung về khung chương trình, kiểm tra đánh giá để đảm bảo chất lượng và sự công nhận tín chỉ lẫn nhau giữa các trường. Thực hiện điều này sẽ mang lại lợi ích về kinh tế thông qua tiết kiệm chi phí và thời gian, nhất là trong bối cảnh tự chủ với mức học phí sẽ gia tăng và Nhà nước giảm dần bao cấp cho hệ thống giáo dục đại học.
Khi áp dụng mô hình giáo dục đại học sẻ chia, các trường công nhận tín chỉ lẫn nhau, sinh viên có thể học bất cứ trường nào, giúp giảm chi phí và thời gian của người học, giảm áp lực lên hệ thống giao thông đô thị... Ngoài ra, các trường đại học sẽ giảm chi phí đáng kể khi sử dụng chung học liệu số, giảng đường, phòng thí nghiệm... cho việc hợp tác, sẻ chia trong đào tạo, nghiên cứu khoa học.
TS Hoàng Ngọc Vinh (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, chuyên viên cao cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo):
Quy hoạch mềm dẻo
Quy hoạch hệ thống giáo dục hiện nay còn rời rạc, cắt khúc, chưa có sự kết nối giữa các bậc học và đào tạo. Chính việc quy hoạch cứng này sẽ khiến các trường đại học gặp khó khăn. Nhưng các trường đại học địa phương có lợi thế là đất đai và cơ sở vật chất rộng rãi. Việc thành lập đại học không hề dễ nên Nhà nước phải cứu sống các trường đang lay lắt cũng như tạo điều kiện cho các trường khác phát triển để tận dụng hết nguồn lực sẵn có.
Để làm như vậy, quy hoạch nên mềm dẻo và linh hoạt, không quy hoạch cứng. Cần thiết có thể đề nghị sửa luật. Chẳng hạn, cho phép trường đại học địa phương đào tạo cao đẳng, nghề khi họ đáp ứng đủ yêu cầu.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần tạo điều kiện cho các trường đại học tận dụng và khai thác tối đa nguồn lực. Hiệu trưởng một trường đại học sư phạm nói trường có 300 giảng viên, dư sức dạy chương trình phổ thông nhưng khi đề xuất thành lập trường thực nghiệm thì tỉnh không cho. Có lẽ điều này sẽ phá vỡ quy hoạch giáo dục phổ thông của tỉnh.
Nhưng rõ ràng các trường đại học địa phương vốn được nâng cấp từ trường cao đẳng sư phạm, họ đủ khả năng mở trường phổ thông và giảng dạy. Nếu tỉnh tạo điều kiện để họ mở trường thực nghiệm liên cấp sẽ giải quyết được nhiều bài toán. Tỉnh có thêm trường học chất lượng, trường đại học tận dụng tối đa nguồn nhân lực và cơ sở vật chất đang dư thừa, có thêm nguồn thu, tỉnh đỡ phải lo về ngân sách cho trường.
Sáp nhập, giải thể đại học, cao đẳng sư phạm
Theo dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030 toàn quốc có khoảng 250 cơ sở giáo dục đại học. Dự thảo cũng định hướng sắp xếp những trường đại học không đạt chuẩn theo các phương án: tái cấu trúc và tập trung đầu tư để đạt chuẩn trong lộ trình từ 3 đến 5 năm, sáp nhập để trở thành một đơn vị đào tạo hoặc một phân hiệu của một cơ sở giáo dục đại học có uy tín, đình chỉ hoạt động đào tạo trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030.
Về phương án phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ sắp xếp, tổ chức lại các trường cao đẳng sư phạm theo các phương án sáp nhập vào một trường đại học sư phạm hoặc một cơ sở giáo dục đại học có đào tạo giáo viên trong vùng, hoặc sáp nhập vào một cơ sở giáo dục đại học tại địa phương. Như vậy đến năm 2030, không còn đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm và các trường cao đẳng đa ngành.
Kể từ sau thời kỳ đổi mới đến nay, đã có một số quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học được phê duyệt. Tuy nhiên, nhiều quyết định chỉ trong những khoảng thời gian không dài đã bộc lộ những hạn chế và rất cần sự đổi mới trong cách tiếp cận.