Được tìm thấy sâu trong một hang động đá vôi ở bang Oklahoma nước Mỹ, mảnh da trông khá ghê rợn từ một quái vật 290 triệu tuổi hứa hẹn giải mã những bí ẩn về của làn da mềm mại trên cơ thể của chính chúng ta, theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Current Biology.
Hóa thạch da là một báu vật vô song đối với ngành cổ sinh vật học. Người ta thường chỉ tìm thấy xương, bởi các mô mềm rất dễ bị phân hủy nhanh chóng khi sinh vật qua đời.
Thế nhưng, một sự kiện bí ẩn đã giúp mảnh da nhỏ bé của một quái vật sống vào đầu kỷ Nhị Điệp (khoảng 299 đến 252 triệu năm trước) thuộc đại Cổ Sinh được nguyên vẹn cho đến nay.
Mảnh da cổ bị carbon hóa, dạng hóa thạch mà trong đó các tinh thể carbon từ từ xâm lấn, thay thế các cấu trúc sống để tạo ra một phiên bản hoàn hảo, cứng cáp, trường tồn.
Càng quý giá hơn, nó được carbon hóa ở dạng 3D, tức còn giữ nguyên những chi tiết gồ ghề nhỏ bé nhất, cho thấy một kiểu pha trộn của các "vảy" cứng như da cá sấu, kết nối bằng loại da mềm mại hơn giống da rắn.
Nhà cổ sinh vật học Ethan Mooney từ Đại học Toronto (Canada), người đứng đầu nghiên cứu, cho biết cả nhóm đã hoàn toàn bị sốc vì phát hiện này.
Mảnh da với niên đại đáng kinh ngạc như thế này là cơ hội đặc biệt để các nhà cổ sinh vật học tìm hiểu xem da của các động vật đầu tiên trông như thế nào.
Mảnh da cũng cung cấp một công cụ mới để để giải thích sự phát triển và xuất hiện sau đó của nang lông và lông, bao gồm làn da đặc trưng của động vật có vú - bao gồm chúng ta.
Các loài động vật có vú đầu tiên chỉ xuất hiện vào khoảng 225 triệu năm trước, tức vào kỷ Tam Điệp ngay sau kỷ Nhị Điệp.
"Vì vậy, loài quái vật bí ẩn này có thể là manh mối về sự phát triển lớp da thịt mềm mại của chúng ta" - tờ Science Alert dẫn lời các tác giả.
Xem thêm: nhc.824357461411042881-at-gnuhc-ev-na-ib-am-iaig-puig-iout-ueirt-092-tav-iauq-ad/nv.fefac