Vắc xin do Trung Quốc tài trợ được chuyển đến thành phố Pasay của Philippines vào tháng 12-2021 - Ảnh: THX
Theo giới phân tích, nguyên nhân là do có nhiều loại vắc xin khác hiệu quả hơn của Trung Quốc và nhu cầu tại các nước giảm.
Vị thế nhà xuất khẩu vắc xin hàng đầu của Trung Quốc một phần là do năng lực sản xuất khổng lồ của nước này, nhưng cũng do các nước sản xuất vắc xin lớn khác ít tập trung vào xuất khẩu hơn.
Hầu hết vắc xin Trung Quốc được cung cấp thông qua các thỏa thuận thương mại song phương và ưu tiên với các nước châu Á, nơi Bắc Kinh muốn thúc đẩy quyền lực mềm. Trung Quốc cũng đã tăng cường tài trợ vắc xin từ cuối năm ngoái, thông qua các thỏa thuận song phương hoặc cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới hậu thuẫn, khi Mỹ cũng bắt đầu tặng vắc xin cho nhiều nước.
Nhưng năm nay, tình hình đã thay đổi và xuất khẩu vắc xin của Trung Quốc, thông qua các thỏa thuận bán lẫn tài trợ, giảm mạnh từ tháng 1-2022. Vắc xin Trung Quốc không còn chiếm phần lớn nguồn cung ở các nước thu nhập thấp và trung bình, theo dữ liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), các cơ quan theo dõi vắc xin khác.
Cụ thể, báo South China Morning Post dẫn dữ liệu từ Tổ chức phân tích Airfinity của Anh cho thấy xuất khẩu vắc xin của các nhà sản xuất Trung Quốc Sinopharm, Sinovac và CanSino đạt đỉnh tháng 11-2021 với 235 triệu liều, trong đó 202,9 triệu liều qua các thỏa thuận thương mại. Đến tháng 12-2021, các lô hàng vắc xin thương mại giảm xuống còn 89 triệu liều, nhưng tổng lượng xuất khẩu vẫn ở mức cao 199 triệu, do Trung Quốc tăng cường cung cấp cho COVAX.
Xuất khẩu vắc xin của Trung Quốc sau đó đã giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm nay, xuống còn 51,6 triệu liều vào tháng 1-2022, 36 triệu liều vào tháng 2-2022 và 11,5 triệu liều vào tháng 3-2022.
Năm ngoái phần lớn vắc xin của Trung Quốc cung cấp cho các nước phát triển, trong khi các nước giàu hơn "xài" vắc xin công nghệ mRNA của các hãng dược như Pfizer, Moderna. Năm nay, Pfizer đã vượt các hãng dược Trung Quốc trở thành nhà cung cấp vắc xin lớn nhất cho các nước thu nhập thấp và trung bình thấp, cung cấp lần lượt 91, 84 và 46,6 triệu liều trong 3 tháng đầu năm 2022, theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc.
Ngoài sự cạnh tranh của các hãng dược phương Tây, Trung Quốc cũng thiệt hại do hai khách hàng quan trọng là Brazil và Indonesia cũng ngừng mua vắc xin của nước này từ đầu năm 2022. Các thị trường tại châu Phi, châu Á, Trung Đông cũng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn vắc xin trong bối cảnh bây giờ đã có nhiều sự lựa chọn hơn.
Ông Nicholas Thomas, giáo sư của Đại học Thành thị Hong Kong, cho biết khi Omicron trở thành biến thể thống trị toàn cầu, điều tự nhiên là các quốc gia sẽ thích các loại vắc xin hiệu quả hơn để bảo vệ dân của họ.
Ngoại giao vắc xin của Trung Quốc bị ảnh hưởng do cung vượt cầu
Bên cạnh đó, nhu cầu vắc xin hiện nay cũng đã giảm. Vào tháng 1-2022, lần đầu tiên cơ chế COVAX ghi nhận nguồn cung đã vượt nhu cầu vắc xin. Tuần trước, Liên minh châu Phi và COVAX thậm chí đã từ chối mua thêm 110 triệu liều vắc xin của Moderna trong 2 quý đầu năm 2022 và 332 triệu liều trong 2 quý sau.
Trên toàn cầu, xuất khẩu vắc xin đã giảm từ 1,5 tỉ liều vào tháng 12-2021 xuống còn 550 triệu liều vào tháng 3-2022.
Các nhà phân tích cho rằng tình hình mới sẽ ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao vắc xin của không chỉ Trung Quốc mà còn các nước khác.
“Tôi nghĩ rằng hiện tại thời kỳ cao điểm của ngoại giao vắc xin đã kết thúc - ngoại trừ các quốc gia vẫn còn thiếu nguồn cung", ông Detlef Nolte, giáo sư nghiên cứu về châu Mỹ Latin tại Hội đồng đối ngoại Đức, nhận định.
TTO - Ngày 8-4, Hãng dược Moderna của Mỹ thông báo đã thu hồi 764.900 liều vắc xin COVID-19, sau khi một lọ thuốc được phát hiện nhiễm dị vật.
Xem thêm: mth.86155952141402202-ioig-eht-tahn-nol-nix-cav-uahk-taux-ahn-al-noc-gnohk-couq-gnurt/nv.ertiout