Chính quyền Kiev đang đối mặt với vấn đề mang tính sống còn khi có khả năng sự ủng hộ và nguồn tài chính ủng hộ sẽ giảm dần theo thời gian trong bối cảnh cuộc đàm phán về gói viện trợ 60 tỉ USD vẫn còn kẹt lại ở Quốc hội Mỹ do sự đấu đá của hai đảng Cộng hòa, Dân chủ.
Giới chức phương Tây cũng đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ có thể tiếp tục đổ nguồn lực lớn vào cuộc xung đột ở Ukraine nhằm hỗ trợ nước này giành lại lãnh thổ, hoặc phải chọn cắt giảm ngân sách viện trợ nhưng sẽ làm tăng nguy cơ Ukraine thất bại.
Ngày 13-1, không quân Nga tổ chức đợt tập kích quy mô lớn sử dụng tên lửa siêu thanh Kinzhal nhắm vào các cơ sở sản xuất quân sự của Ukraine. Ba Lan sau đó lên tiếng cho biết việc triển khai máy bay chiến đấu tới gần biên giới Ukraine để theo dõi đợt tập kích này.
Mỹ đến nay liên tục khẳng định sẽ không có sự thay đổi về chiến lược nếu Quốc hội không thông qua gói hỗ trợ cho Ukraine. Dù vậy, giới quan sát cho rằng trên thực tế vẫn còn một lựa chọn khác mà phương Tây dường như đang bỏ qua: Giúp Ukraine giành chiến thắng qua phòng thủ.
Lợi thế nghiêng về phe phòng thủ
Trong bài viết mới đây trên tạp chí Foreign Affairs, TS Emma Ashford và TS Kelly A. Grieco thuộc ĐH Gerogetown (Mỹ) cho biết lợi thế chiến trường hiện nay nghiêng về phe phòng thủ.
Các vũ khí tầm xa như máy bay không người lái (UAV), pháo hoặc tên lửa chống tăng giúp hỗ trợ các binh sĩ giữ vững trận địa hiệu quả hơn là sử dụng trong một cuộc phản công giành lãnh thổ. Các hệ thống phòng không cơ động trên mặt đất cũng khó bị phát hiện và tiêu diệt hơn, mang lại lợi thế cho lực lượng phòng thủ trước các đợt tấn công bằng không quân và máy bay.
Việc giúp Ukraine chuyển hẳn sang chiến lược phòng thủ sẽ tận dụng những lợi thế này và yêu cầu ba điều cụ thể để thành công.
Đầu tiên, Ukraine sẽ cần xây dựng một hệ thống phòng tuyến bao gồm các hào sâu, lỗ châu mai, mìn chống tăng và các hàng rào chống tăng. Cho đến nay, phòng tuyến của Ukraine chủ yếu là chiến hào nông vì quân đội Ukraine chủ yếu cần đào nhanh để tiến công áp sát vị trí của Nga.
Hệ thống phòng tuyến này cũng phải dày và nhiều lớp. Lớp phòng tuyến đầu tiên nên được cài mìn dày đặc với các loại mìn chống tăng và rào chắn kiên cố, đằng sau là binh sĩ Ukraine trong chiến hào chờ sẵn với hỏa lực sát thương cao. Phòng tuyến thứ hai cũng được thiết kế tương tự phòng tuyến đầu tiên để tiếp tục làm suy yếu đối thủ.
Thứ hai, Ukraine phải ưu tiên duy trì tranh chấp không phận, đảm bảo ưu thế trên không càng lâu càng tốt. Tuyến phòng thủ của Ukraine chỉ có thể phát huy hiệu quả nếu không bị các máy bay Nga đe dọa liên tục. Tuy nhiên, mối lo lớn nhất lúc này là kho tên lửa phòng không do phương Tây viện trợ đang ở mức thấp, làm tăng nguy cơ Kiev không thể đẩy lùi lực lượng trên không của Nga.
Để tránh nguy cơ trên, Ukraine có lẽ cần có sự chọn lọc hơn về vị trí triển khai các hệ thống phòng không do các lực lượng Ukraine không thể đánh chặn tất cả tên lửa và UAV của Nga phóng vào Ukraine.
Thứ ba, Ukraine phải mở rộng khả năng sản xuất vũ khí trong nước, giảm sự phụ thuộc vào vũ khí viện trợ. Dù dễ hiểu là các quốc gia khác sẽ thận trọng trong việc chia sẻ những công nghệ quân sự nhạy cảm cho Ukraine nhưng đa số những gì nước này đang cần cho phòng không như pháo, UAV, vũ khí chống tăng đều rẻ hơn, ít nhạy cảm hơn và tương đối dễ sản xuất.
Tăng cơ hội cho Ukraine trên bàn đàm phán
Theo TS Emma Ashford và TS Kelly A. Grieco, sự thay đổi chiến lược này trước mắt sẽ giúp Ukraine giải quyết hai vấn đề lớn nhất là thiếu hụt về lực lượng và sự sụt giảm trong mức độ hỗ trợ của phương Tây. Một tuyến phòng thủ sẽ giúp Kiev củng cố nguồn lực, giảm số lượng binh lính và pháo cần thiết để bảo vệ tiền tuyến.
Việc áp dụng chiến lược phòng thủ cũng làm giảm yêu cầu trang bị cho Ukraine các hệ thống phương Tây đắt đỏ và khan hiếm. Thay vào đó, phương Tây có thể định hướng lại việc viện trợ với các loại đạn dược, vật tư xây dựng và hệ thống phòng không chi phí thấp hơn, cũng như giúp Ukraine tăng cường năng lực sản xuất thiết bị quốc phòng trong nước.
Ngoài ra, một chiến lược mới trên chiến trường phải đi cùng với chiến lược chính trị tương ứng từ Mỹ, bắt đầu bằng việc đưa ra thông điệp. Chính quyền Tổng thống Biden nên làm rõ rằng Washington không buộc Kiev phải tiến hành các chiến dịch tấn công trong tương lai mà thay vào đó là tập trung cung cấp cho Ukraine các khả năng phòng thủ.
Hai chuyên gia cho biết kể cả khi chiến lược mới không giúp chấm dứt xung đột và giúp Ukraine giành thêm lãnh thổ, nó vẫn tránh được thêm thương vong và bảo tồn khả năng chiến đấu của Ukraine, tạo cơ hội cho Ukraine vẫn kiểm soát phát triển kinh tế và tái thiết cơ sở hạ tầng. Đối với Nga, việc không thể tiến sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine có thể sẽ khiến nước này chùn bước và tạo ra lợi thế cho Ukraine trên bàn đàm phán.•
Triều Tiên bác tin đang cung cấp tên lửa cho Nga
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên dẫn lời Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song ngày 12-1 khẳng định Triều Tiên không liên quan đến các thông tin mà phương Tây đưa ra về việc nước này đang cung cấp tên lửa cho Nga sử dụng ở Ukraine. Đại sứ Triều Tiên cũng nhắc lại tuyên bố của Bình Nhưỡng rằng cuộc chiến ở Ukraine là kết quả của chính sách đối đầu của Washington vốn vi phạm lợi ích an ninh hợp lý và chính đáng của Moscow.
Trước đó, tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Ukraine ngày 10-1, Mỹ cùng đồng minh đã lên án việc Triều Tiên chuyển vũ khí cho Nga là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Nhà Trắng cũng ra tuyên bố riêng cáo buộc Bình Nhưỡng đã cung cấp cho Moscow hàng chục tên lửa đạn đạo, một vài trong số đó được sử dụng để tấn công các mục tiêu của Ukraine vào ngày 30-12-2023, cũng như ngày 2 và 6-1 vừa qua, theo hãng tin Reuters.