Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 10.1, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Bệnh viện Chợ Rẫy giai đoạn 2018 - 2023.
Tại cuộc giám sát, TS-BS Trần Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy, kiến nghị Bộ Y tế cần đẩy nhanh công tác chuyển đổi số, cần có phần mềm quản lý thông tin người hiến máu (NHM) thống nhất giữa các cơ sở trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, TS-BS Thanh Tùng cho đề xuất bổ sung chính sách và chế độ hỗ trợ cho NHM và nhân viên trong công tác tuyên truyền vận động tổ chức hiến máu.
"Tại các địa phương, hội chữ thập đỏ, nhân viên công tác hỗ trợ hiến máu của địa phương đang làm việc không có lương. Do đó, cần tăng trị giá tiền chi phí cho công tác tuyên truyền vận động tổ chức tiếp nhận máu", TS-BS Thanh Tùng nói.
Ngoài ra, theo TS-BS Thanh Tùng, Bộ Y tế nên xem xét tăng trị giá bồi dưỡng cho NHM toàn phần, hiến tiểu cầu tình nguyện và chuyên nghiệp, đặc biệt là vào ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ. Vì hiện nay, nhiều bệnh viện phải tự bỏ ra nguồn tiền để kêu gọi người dân hiến máu, tiểu cầu vào những ngày nghỉ, lễ.
"Các phần quà hỗ trợ NHM cần được thay đổi. Thay vì các phần bánh, quà tặng, cần ban hành thêm chính sách quy đổi phần quà thành tiền mặt để NHM có thể sử dụng số tiền tùy theo sở thích của bản thân", TS-BS Thanh Tùng đề nghị.
TS-BS Thanh Tùng cũng cho biết thêm khi đi tổ chức hiến máu ở các địa phương, gần như 100% bà con cho máu ở đây mong muốn được nhận tiền thay các phần quà. Bà con mong muốn dùng tiền đó ăn một tô phở hay uống nước sau khi cho máu hơn là nhận một phần quà.
Nhận quà mới ý nghĩa
Liên quan vấn đề trên, nhiều bạn đọc (BĐ) nêu quan điểm "dị ứng" với việc cho nhận tiền, cho rằng nhận quà mới là ý nghĩa. BĐ Bình An chia sẻ: "Mỗi lần tôi đi hiến máu đều nhận được một phần quà lưu niệm. Tôi thấy vui vì đã làm một việc có ích cho xã hội". BĐ có nickname rút gọn là G41 bày tỏ: "8 năm nay tôi có hơn 20 lần hiến máu, chưa bao giờ đòi hỏi phải là tiền. Có những cô chú hiến máu 40 - 50 lần cũng có đòi hỏi gì đâu. Hiến máu rất dễ nếu bạn biết cách tự chăm sóc bản thân".
Cùng quan điểm, BĐ có nickname rút gọn là 80RP cho biết: "Hiến máu để nhận tiền ư? Đúng là tiền quan trọng thật nhưng không phải cái gì cũng quy ra tiền được! Bản thân tôi đã có gần 20 lần hiến máu nhưng chưa bao giờ nghĩ đến nhận tiền, và tôi tin nhiều người cũng vậy". BĐ có nickname rút gọn là UTRO lý lẽ: "Hiến là cống hiến chứ có phải giao dịch đâu. Đi hiến máu đa phần là tự nguyện giúp đời cũng là giúp mình. Vả lại mỗi lần hiến cũng có quà, ở đây là để khích lệ, để bổ sung cho mau hồi phục sức khỏe. Hiến máu là tinh thần nhân đạo chứ không phải giao dịch mua bán".
BĐ Anh Hao cũng cho biết: "Tôi đi hiến máu nhiều lần rồi và hầu như không muốn nhận tiền. Có nhiều người còn gửi lại phần tiền hỗ trợ đi lại cho trung tâm hiến máu. Xin đừng biến hành động cao đẹp như vậy thành việc bán máu!". BĐ có nickname rút gọn là 8ckZ cũng bày tỏ: "Cá nhân tôi đi hiến máu 15 lần rồi. Tôi thích nhận kỷ vật có dòng chữ hiến máu cứu người và bức tranh thư pháp. Thật ý nghĩa!".
Nên có nhiều lựa chọn hơn
Trong khi đó, nhiều BĐ lại cho rằng nên có nhiều hình thức để NHM tùy chọn cho phù hợp với thực tế. BĐ ZBQ cho biết: "Mình nghĩ nên bồi dưỡng bằng tiền mặt để NHM bồi dưỡng cho sức khỏe sau mỗi lần hiến máu, vì họ cũng cần bồi dưỡng cho sức khỏe". BĐ Hoàng Đào bày tỏ: "Tôi thấy đúng, cứ cho nhận tiền, chứ quà thì lần nào cũng mấy món đó, cũng chẳng biết lấy món nào cả. Cứ quy ra tiền sẽ hợp lý hơn". BĐ Tùng Xèng góp ý: "Hiến máu mà tặng gấu bông là buồn rồi!".
Trong khi đó, rất hoan nghênh việc tự nguyện hiến máu của nhiều người nhưng BĐ Tú Giang bày tỏ: "Xin đừng ai suy nghĩ rằng: Hiến máu nhân đạo mà nhận tiền thì giống như là hành vi bán máu!", và đề nghị: "Nên có cả 3 sự lựa chọn để cho NHM tự chọn: nhận quà, nhận tiền hoặc không cần nhận gì ngoài Giấy chứng nhận hiến máu nhân đạo!".
Đồng tình với các ý kiến trên, BĐ có nickname 297084 góp ý: "Nên thêm nhiều lựa chọn để phù hợp hơn. Ví dụ, thay vì nhận hộp sữa thì có thể nhận tiền để ăn tô phở, vì mỗi người mỗi sở thích mà. Không phải nhận tiền là bán máu đâu. Bởi vì nếu người ta đi bán máu thì họ đã tới thẳng chỗ bán chứ cần gì phải tới nơi hiến máu để nhận tiền?".
BĐ Quang Trần Ngọc góp ý: "Sao không phải là tặng phiếu mua hàng nhỉ? Nhận tiền trực tiếp thì có người nói là giống "giao dịch", chưa kể số tiền không đáng là bao. Nhận quà thì nhiều khi không đúng nhu cầu, sở thích. Nếu có thể phối hợp với các đơn vị thương mại để có chương trình tặng phiếu mua hàng ưu đãi thì lợi cả đôi đường". BĐ QMZ cũng gợi ý: "Mình thì lại muốn nhận quà tặng là các gói xét nghiệm và các món quà lưu niệm có in chữ ý nghĩa".
"Đừng quên mục đích là nguồn máu cứu người. Hiến, cho, tặng, hay bán... đều tốt cả, đều để cứu người", BĐ có nickname ZBRI ý kiến.
Tôi 6 lần hiến máu. Lần nào cũng được cái dù, 1 hộp sữa đậu nành, 3 cái bánh bông lan, và 50.000 đồng.
Nhung Huyền
Quà cũng từ tiền mua về thôi, nó chỉ là hình thức của văn hóa. Thôi thì cứ quy ra tiền tặng cho NHM, ai coi đó là quà thì nó là quà. Tất cả chỉ là cuộc sống thôi, thực tế là hay nhất!
minhhieuvideo
Mình nghĩ nên công tâm khi khen thưởng, vì mình thấy nhiều người có số lần hiến máu rất nhiều mà không thấy tuyên dương trong khi một số người khác có số lần ít hơn lại được tuyên dương.
L.Hiệp