Nhiều nghệ sĩ trẻ chủ động làm dự án và liên kết các nhà tài trợ để đưa opera đến khán giả. Trong ảnh: các nghệ sĩ trình diễn trong đêm hòa nhạc Imagi-nation - Ảnh: HUỲNH VY
Opera vốn không hề xa lạ với khán giả Việt. Từ đầu những năm 1960, chúng ta cũng đã dựng được tác phẩm kinh điển Evgheni Oneghin. Năm 1965, Cô Sao - vở opera Việt Nam đầu tiên ra đời, có thể coi là khá sớm trong khu vực.
Rồi sau đó, các thế hệ nghệ sĩ trong nước đã làm dày vốn kịch mục bằng nhiều vở diễn khác như Cây sáo thần, Carmen, La Boheme...
Những cống hiến đó là đáng quý nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì sự tồn tại của bộ môn nghệ thuật này ở Việt Nam còn khá èo uột. Một giọng ca thính phòng gạo cội từng có lần thốt lên: "Opera ở Việt Nam chết rồi".
Cơm áo không đùa với khách thơ
Lương theo bậc của một nghệ sĩ cứng của nhà hát chỉ khoảng 5 triệu đồng cùng một vài khoản phụ cấp nhỏ, chưa tính đến các khoản đầu tư trang phục cho trang trọng. Không ít nghệ sĩ phải chạy sô, thu âm hoặc dạy nhạc để kiếm thêm, ít điều kiện tập trung trau dồi năng lực chuyên môn.
Chỉ một số ít nghệ sĩ gặt hái được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi trong nước và quốc tế, ít nhiều gây dựng được tên tuổi rõ nét như Khánh Ngọc (giải nhì cuộc thi opera quốc tế Đông Nam Á - SLO tại Singapore 2016), Tố Loan (giải ba bảng chuyên nghiệp cuộc thi âm nhạc quốc tế MAP - IMC), Phạm Duyên Huyền (giải nhì cuộc thi hát thính phòng 2011 tại Hà Nội), giọng baritone xuất sắc Đào Mác, tenor Phạm Trang...
Vậy phần lớn các sinh viên xuất sắc của khoa thanh nhạc về đâu? Với các sinh viên xuất sắc, một số ít ỏi có năng lực, có bệ đỡ, có điều kiện tài chính có thể tự phát triển sự nghiệp solo. Họ cũng thường chọn con đường hát crossover (âm nhạc giao thoa) để dễ có khán giả và xây dựng sự nghiệp.
Số còn lại sẽ tích lũy thành tích tại các cuộc thi hát chính thống, rồi trú thân tại các đoàn nghệ thuật nhà nước hoặc các trường nhạc làm công tác giảng dạy. Tại đây, họ chủ yếu hát trong các chương trình phục vụ hội nghị hay lễ kỷ niệm, cơ hội được biểu diễn hát cổ điển thực thụ vô cùng hiếm hoi, ngay cả khi họ sở hữu những giọng hát đẹp và kỹ thuật.
Ca sĩ Khánh Ly - giảng viên khoa thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia, chia sẻ: "Kỹ thuật thanh nhạc là nền tảng tối thiểu để có thể trở thành một ca sĩ cổ điển. Chúng tôi luôn tự tin là có thể trang bị cho sinh viên nền móng cơ bản tốt nhất để theo đuổi nghề.
Dầu vậy chúng tôi cũng có những trăn trở riêng, đó là sân chơi cho các em được thực hành, được trau dồi kinh nghiệm biểu diễn opera còn rất ít ỏi, thêm nữa điều kiện thu nhập cũng như cơ hội nghề nghiệp cho các em sau này cũng khá hạn chế.
Nhưng chúng tôi vẫn luôn khuyến khích các em có năng lực, có thiên hướng tốt về opera rằng hãy quyết liệt theo đuổi đến cùng, rồi thành công cũng sẽ tới...".
Gầy dựng khán giả cho opera
Chúng ta từng có nhiều nghệ sĩ tài năng nhưng có thể thấy chúng ta chưa bao giờ quan tâm đến việc đầu tư xây dựng một lượng khán giả thực sự cho opera. Nhìn chung định kiến của công chúng về opera vẫn là một thứ gì xa xỉ.
Nếu có một lượng khán giả đủ lớn, trân trọng nghệ thuật, sẵn sàng mua vé vào nhà hát - các nghệ sĩ không chỉ sống được bằng nghề mà còn có thể toàn tâm toàn ý cống hiến nghệ thuật cho những vở diễn đỉnh cao, opera lúc đó sẽ "sống" thực sự.
Tại Cuba, để giúp khán giả bình dân tiếp cận ballet, các nghệ sĩ thường tổ chức các buổi diễn trực tiếp ngay tại công xưởng, nhà máy...
Liên Xô đầu thế kỷ 20 có cách làm không kém ấn tượng - một lượng lớn vé xem hòa nhạc được công đoàn bao tiêu và gửi thẳng đến những đối tượng như nông dân, công nhân, bộ đội...
Sự phát triển của nghệ thuật hàn lâm tại một số nước không phải từ truyền thống, từ những phép màu mà là từ những quyết sách đầy táo bạo.
Ở Việt Nam, tín hiệu đáng mừng là các ca sĩ cổ điển trẻ ngày nay bắt đầu có xu hướng chủ động tự gầy dựng công chúng cho mình. Một số nhóm biểu diễn thính phòng trong Nam, ngoài Bắc đã đem đến các buổi diễn phi lợi nhuận dành cho khán giả đại chúng và dần tạo được tiếng vang.
Với mong muốn thay đổi định kiến về opera mà không làm mất đi vẻ đẹp cốt lõi của nó, các buổi diễn này thường được tổ chức với chi phí tối thiểu nhưng nghiêm túc, địa điểm diễn là những không gian có tính công cộng, có các sáng kiến để khán giả thấy gần gũi, thân thuộc và dễ dàng tiếp nhận như trình chiếu phụ đề kèm những diễn giải, dẫn dắt thú vị.
Nghệ sĩ opera Trang Bùi - diễn viên của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, người cũng tham gia Operaphilia, một nhóm nghệ sĩ và sinh viên thanh nhạc trẻ thường tổ chức các đêm diễn opera miễn phí hướng tới khán giả phổ thông - chia sẻ:
"Cho dù đời sống của các nghệ sĩ opera còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi không vì thế mà có suy nghĩ tiêu cực. Mỗi người trong chúng tôi đều phải cố gắng tìm kiếm thêm cơ hội để biểu diễn, tự gầy dựng cộng đồng khán giả cho mình, hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều người yêu và trân trọng bộ môn nghệ thuật này hơn".
Nỗ lực tìm lối ra
* Soprano Phạm Khánh Ngọc (soloist của HBSO, giảng viên khoa thanh nhạc - Nhạc viện TP.HCM):
Opera ở Việt Nam (thậm chí cả Đông Nam Á) vẫn là một "vùng trũng", chưa có nhiều khán giả và chưa tạo được thói quen thưởng thức cho công chúng như ở phương Tây.
Ở TP.HCM, chỉ có Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) là đơn vị chính thống duy nhất thường xuyên biểu diễn cổ điển và opera (3 chương trình mỗi tháng) và đầu tư 1 vở opera mới mỗi năm.
Tin vui là các chương trình này đều "cháy vé" và có vé ưu đãi giá đặc biệt dành cho sinh viên. Hiện tại, các nhà tổ chức sự kiện cũng quan tâm nhiều hơn đến âm nhạc cổ điển hàn lâm nói chung và opera nói riêng nên các nghệ sĩ opera cũng được mời nhiều hơn.
Sinh viên theo đuổi opera đều phải rất đam mê, nỗ lực, kiên trì và dũng cảm với lựa chọn của mình. Những năm gần đây, mình rất vui khi thấy có nhiều nhóm bạn trẻ chủ động làm dự án và liên kết các nhà tài trợ như nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Saigon Classical, Germer Team, gần đây là Imagine Philharmonic Orchestra, From Alpha to Opera (trình chiếu các vở opera), ở Hà Nội thì có Operaphilia...
Đây là những sân chơi rất tốt để các bạn tìm hiểu về opera và có thêm cơ hội biểu diễn, vì không phải bạn nào ra trường cũng có thể trở thành nghệ sĩ opera. Hy vọng những hoạt động này của các bạn sẽ được phát triển nhiều hơn nữa trong tương lai.
* Tenor Thế Huy (sinh viên khoa thanh nhạc, Nhạc viện TP.HCM - nghệ sĩ trẻ có những dự án biểu diễn mang tính cộng đồng về opera ở TP.HCM):
Ở TP.HCM, ngoài HBSO đã có nhiều đêm nhạc cổ điển theo mùa, theo chủ đề... được tổ chức bởi các đơn vị tư nhân, các tổ chức phi lợi nhuận do chính các bạn trẻ điều hành và thu hút không ít khán giả, trong đó hầu hết là khán giả trẻ và mới tiếp cận.
Tuy nhiên, để một nghệ sĩ opera có cơ hội biểu diễn hay thực hiện dự án biểu diễn cá nhân... là điều vô cùng khó khăn, cần đầu tư rất nhiều về chi phí, ý tưởng, sân khấu, tổ chức, truyền thông bán vé... chưa kể là lo ngại có được khán giả đón nhận hay không?
Để thay đổi, Huy và một số nghệ sĩ trẻ cùng lứa chọn không nhìn vào khó khăn mà nỗ lực tìm giải pháp. Tụi mình chọn hướng tiếp cận những khán giả mới tiềm năng, thực hiện những dự án phi lợi nhuận với nội dung đặc sắc và thuần cổ điển ở những không gian "phi truyền thống" để tạo sự mới mẻ, hợp hoàn cảnh và xu thế.
Ví dụ: hình thức opera-one-man ở tổ hợp Toong, hay concert của IPO ở khán phòng khách sạn... May thay, cách làm này được nhiều đơn vị hưởng ứng và sẵn lòng hỗ trợ, đồng thời giúp tụi mình gầy dựng cộng đồng khán giả sẵn sàng theo dõi và đón nhận opera từ nay về sau.
HUỲNH VY ghi
TTO - Ngày 8-4, Nhạc viện TP. HCM vừa công bố hợp tác kết nối, giáo dục và phát triển cộng đồng thông qua âm nhạc và nghệ thuật trong buổi lễ ký kết với Tổ chức Giáo dục Âm nhạc và Nghệ thuật Biểu diễn Á châu (AMPA Education).
Xem thêm: mth.25292319030702202-uad-ev-cas-taux-cahn-hnaht-neiv-hnis/nv.ertiout