Du lịch ngủ lên ngôi
Sự thay đổi trong nhận thức về sức khỏe của con người và tác động từ đại dịch COVID-19 đã khiến “du lịch ngủ” (sleep tourism) dần trở nên phổ biến. Xu hướng này từng bùng nổ vào năm 2023 và ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Nhiều chuyên gia dự đoán du lịch ngủ sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. Công ty nghiên cứu thị trường HTF Market Intelligence ước tính loại hình này sẽ tăng trưởng khoảng 8%, thu về 400 tỉ USD trong giai đoạn từ năm 2023 đến 2028.
Bà Rebecca Robbins, nhà khoa học về giấc ngủ tại khoa y thuộc Đại học Harvard (Mỹ), cho biết: “Du khách ngày càng coi trọng giấc ngủ khi đi du lịch và giấc ngủ ngon trên đường đi”.
“Những ngày đi du lịch và trở về nhà trong trạng thái kiệt sức đã qua rồi”, bà khẳng định.
Thêm vào đó, bà Robbins còn cho biết cứ 3 người lớn thì có 1 người không ngủ đủ số giờ được khuyến nghị mỗi đêm (từ 7-9 tiếng), khiến họ rơi vào tình trạng không tỉnh táo và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần.
Lắp thêm tiện nghi hỗ trợ giấc ngủ
Bên cạnh các tiện nghi tiêu chuẩn như miếng bịt mắt, rèm cửa và gối, nhiều khách sạn đang mở rộng dịch vụ chăm sóc giấc ngủ cho khách hàng.
Ông Amanda Al-Masri, phó chủ tịch bộ phận chăm sóc sức khỏe của chuỗi khách sạn Hilton, cho biết một số cơ sở của chuỗi đang triển khai loại phòng “sập nguồn” (từ lóng chỉ trạng thái mệt mỏi, kiệt sức). Căn phòng này được cung cấp nệm có khả năng điều chỉnh nhiệt độ, cũng như cài đặt ánh sáng mờ giúp khách hàng dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Thương hiệu khách sạn Rome Cavalieri và Waldorf Astoria cho khách hàng lựa chọn loại gối ngủ phù hợp với họ. Conrad Bali đưa ra gói trải nghiệm SWAY, một buổi trị liệu giấc ngủ kéo dài 60 phút bằng võng kén.
Khách sạn Park Hyatt (thành phố New York, Mỹ) cho ra mắt Bryte Restorative Sleep Suite - một căn phòng rộng 900m2 với giường thông minh do AI quản lý. Trong phòng còn có máy khuếch tán tinh dầu và sách liên quan đến việc cải thiện giấc ngủ.
Khách sạn Benjamin Royal (thành phố New York, Mỹ) bán gói chương trình Rest & Renew, đem đến du khách bộ dụng cụ hỗ trợ giấc ngủ gồm mặt nạ, danh sách nhạc, máy tạo tiếng ồn trắng và 10 loại gối khác nhau.
Chuỗi khách sạn Six Senses có mặt tại nhiều quốc gia như Hy Lạp, Ấn Độ và cả Việt Nam cũng thực hiện chương trình cải thiện giấc ngủ cho khách, bằng cách sử dụng máy theo dõi giấc ngủ và thuê bác sĩ tư vấn.
Sự bùng nổ của loại hình “du lịch ngủ” chính là khi con người nhận ra mình cần thoát khỏi guồng quay công việc và cải thiện thói quen ngủ đã xuống cấp đang tàn phá cả thể chất lẫn tinh thần.