Thêm giải pháp ngăn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng
Sở hữu chéo - chi phối - thao túng tổ chức tín dụng là các vấn đề nhức nhối hiện nay, SCB là câu chuyện điển hình. Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã bổ sung thêm nhiều quy định nhằm ngăn chặn tình trạng này.
Cụ thể, dự thảo Luật bổ sung các quy định để bảo đảm hơn quyền tham gia quản trị, điều hành của cổ đông, nhóm cổ đông thiểu số như: quyền đề cử nhân sự để bầu làm thành viên Hội đồng quản trị, quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường.
Dự thảo cũng đưa vào nhiều quy định nhằm tăng cường hơn nữa minh bạch trong hoạt động, quản trị, điều hành của TCTD thông qua việc: bổ sung trách nhiệm công bố, công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ của TCTD trở lên, người quản lý, người điều hành của TCTD; bổ sung yêu cầu khách hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin về người có liên quan khi đề nghị cấp tín dụng.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, yêu cầu đối với thành viên Hội đồng quản trị độc lập, thành viên Ban kiểm soát để nâng cao tính độc lập của đối tượng này, bổ sung tăng cường trách nhiệm của Ban kiểm soát và thành viên Ban kiểm soát, sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp không cùng đảm nhiệm, chức vụ theo hướng người quản lý, điều hành của TCTD không được đồng thời là người quản lý, điều hành tại doanh nghiệp khác, trừ một số trường hợp đặc thù.
Bổ sung nguyên tắc đối với các vấn đề quan trọng, thành viên Hội đồng quản trị không được ủy quyền cho người khác tham dự cuộc họp Hội đồng quản trị để quyết định các nội dung này, tránh trường hợp lợi dụng việc ủy quyền để vô hiệu hóa hoạt động của Hội đồng quản trị.
Bổ sung trường hợp TCTD, công ty con của TCTD không được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, TCTD khác là người có liên quan của cổ đông lớn, thành viên góp vốn của TCTD đó.
Các quy định theo dự thảo Luật do Chính phủ đề xuất nhằm hạn chế việc thao túng, chi phối quản trị, điều hành của cổ đông lớn, người có liên quan tại TCTD, ngăn ngừa tình trạng cho vay đối với doanh nghiệp “sân sau” của các TCTD hoặc cổ đông lớn của TCTD. Quy định tại dự thảo Luật cũng nhằm tăng cường minh bạch hiệu quả trong quản trị điều hành của TCTD.
Luật chỉ là một phần, quan trọng là thanh tra, giám sát hành vi cố tình "lách" luật
Một số đại biểu lo ngại, các quy định như: giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần (Điều 63), giảm hạn mức cấp tín dụng (Điều 136) và mở rộng đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ, không cùng đảm nhiệm chức vụ (Điều 42 và Điều 43)… đang “lấy hữu hình để trị vô hình”, hiệu quả không cao, không xử lý được vấn đề cốt lõi.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm xác định được cá nhân, tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định đối với hoạt động của ngân hàng.
Cũng có ý kiến cho rằng, cốt lõi trong hạn chế sở hữu chéo là phải giám sát và theo dõi đối với chủ ngân hàng và các cổ đông, để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng cấp tín dụng, rút ruột ngân hàng như thực tế vừa diễn ra. Đồng thời, phải bổ sung thêm các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm, gắn trách nhiệm của NHNN, các cơ quan có liên quan.
Liên quan tới các ý kiến này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, để bảo đảm hiệu quả trong thực thi quy định pháp luật, bên cạnh những quy định cụ thể tại Luật, Chính phủ cần chỉ đạo tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, trong đó có sự tăng cường trao đổi, phối hợp quản lý giữa các bộ, ngành nhằm kịp thời phát hiện những hành vi cố tình “lách” các quy định về sở hữu cổ phần, về người có liên quan, hoặc xác định các quan hệ giữa cổ đông lớn của TCTD với các doanh nghiệp “sân sau”.
Bên cạnh đó, chỉ đạo hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống thông tin của cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp để minh bạch hóa thông tin về cá nhân, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động ngân hàng. UBTVQH sẽ chỉ đạo các cơ quan tiếp tục hoàn thiện các quy định nhằm phòng ngừa rủi ro và tiệm cận với thông lệ quốc tế.