Theo Báo cáo khảo sát về tình hình doanh nghiệp cuối năm 2023 và triển vọng kinh doanh năm 2024 do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện, việc tiếp cận thị trường đang có triển vọng tươi sáng hơn đối với các doanh nghiệp nói chung và từng ngành nói riêng, cũng như ở tất cả các khía cạnh khác.
Theo đó, kết quả khảo sát của Ban IV vào tháng 12/2023 chỉ ra rằng 64,3% doanh nghiệp đánh giá triển vọng thị trường cho các sản phẩm kinh doanh trong năm 2023 là tiêu cực/ rất tiêu cực, trong đó 19,3% đánh giá rất tiêu cực. Chỉ có 10,7% doanh nghiệp đánh giá triển vọng thị trường là rất tích cực/tích cực.
Tuy nhiên, tất cả các kết quả và khía cạnh đánh giá về triển vọng thị trường của tháng 12 đều bộc lộ yếu tố tích cực hơn so với kì đánh giá tháng 4/2023.
Các doanh nghiệp đánh giá triển vọng thị trường cho các sản phẩm chỉ ở mức 2,3/5, ở mức tiêu cực. Bức tranh về thị trường cho các sản phẩm của doanh nghiệp cũng thể hiện sự tiêu cực. doanh nghiệp ngành Xây dựng có mức điểm trung bình thấp nhất (2,16) trong khi ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản có điểm trung bình cao nhất đạt 2,42.
Phân theo loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và FDI có mức đánh giá điểm trung bình bằng nhau và cao hơn mức chung của các loại hình doanh nghiệp, trong đó điểm trung bình của doanh nghiệp ngoài nhà nước thấp nhất (2,28).
Xét theo địa phương, cả doanh nghiệp tại Tp.HCM và Hà Nội đều có điểm trung bình đánh giá thấp hơn mặt bằng chung về triển vọng thị trường cho các sản phẩm kinh doanh của mình.
Điểm trung bình của các doanh nghiệp chỉ hoạt động trong thị trường nội địa (2,25) thấp hơn so với các doanh nghiệp hướng đến thị trường quốc tế (2,36) và các doanh nghiệp hướng đến cả thị trường nội địa và quốc tế (2,39). Điều này cho thấy niềm tin vào thị trường nội địa và quốc tế đều ở mức thấp. Do đó, kích cầu nội địa là một giải pháp cần phải tính đến trong trọng tâm chính sách năm 2024. Các số liệu GDP năm 2023 cũng cho thấy sự suy giảm tổng cầu ảnh hưởng đến sự phục hồi chung của nền kinh tế.
Để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp, Ban IV cho rằng Nhà nước cần tích cực tạo các cuộc gặp giữa các doanh nghiệp với các đơn vị có nhu cầu mua hàng trong và ngoài nước thông qua các diễn đàn theo từng chủ đề. Hỗ trợ các doanh nghiệp chi phí tham gia triển lãm hội chợ trong nước và ngoài nước để tiếp cận khách hàng.
Đồng thời bày tỏ mong muốn Nhà nước tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ với quy mô lớn và tập trung vào từng ngành hàng cụ thể. Cung cấp thông tin rộng rãi và cụ thể để doanh nghiệp nắm bắt được và thực hiện.
Đặc biệt kích thích tiêu dùng thông qua việc khoan sức dân (xem xét tính hợp lý của các mức thuế và phí), hạn chế sự lạm dụng các quy định pháp luật (ví dụ kiểm tra nồng độ cồn một cách thái quá) nhằm hỗ trợ yếu tố gốc rễ của nền kinh tế là tiêu dùng cá nhân.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành đầu mối của Chính phủ cần làm rõ các nguy/cơ từ việc các thị trường quan trọng của Việt Nam (như EU, Shengen, G7…) yêu cầu sản xuất trên nền tảng giảm phát thải khí nhà kính để thông tin cụ thể đến doanh nghiệp.
“Thực tế, hiện nay nhiều thông tin cung cấp cho còn rất khái quát hoặc quá muộn để chuẩn bị, trong khi rất nhiều doanh nghiệp vẫn không hiểu giảm phát thải là thế nào và doanh nghiệp đang phát thải bao nhiêu, cần giải pháp gì để cải thiện; liệu giải pháp đó có mất nhiều tiền không và dòng tiền từ đâu... Cần định nghĩa các khoản vay đầu tư cho các mục đích giải pháp giảm phát thải khí nhà kính tại DN sản xuất như là cấu thành tài sản cố định và chi phí sản xuất kinh doanh”, báo cáo của Ban IV nêu vấn đề.
Đáng chú ý, Ban IV cho rằng Nhà nước nên mạnh tay “siết” các kênh bán hàng online tự do để tạo môi trường công bằng trong kinh doanh.
“Hiện tại, đây là một “mớ hỗn loạn”, nhất là về chất lượng và cũng là “thủ phạm” phá vỡ kênh bán hàng truyền thống, khiến nhiều tiểu thương phải lấy tiền vốn lưu động đi gửi ngân hàng lấy chút lãi chi tiêu, vì càng làm càng lỗ. Kinh doanh online tự do hiện không cần chi phí thuê mặt bằng, không cần giấy tờ về kiểm tra nhà nước, kiểm định sản phẩm trước khi lưu thông, không đóng các thuế, phí, khi người mua hàng có vấn đề về chất lượng mà phàn nàn là bị “chặn tương tác”, không có kênh bảo vệ quyền lợi, là lỗ hổng rất lớn trên thị trường”, Ban IV giải thích.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng do cạnh tranh không lành mạnh và lợi nhuận ngày càng thấp, có nguy cơ đóng cửa doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhập khẩu chính ngạch từ nhà sản xuất châu Âu, Mỹ ... và đóng đủ thuế nhập khẩu, thuế VAT cho nhà nước. Trong khi đó, các “đối thủ” khác lại lấy hàng tiểu ngạch (phần lớn từ đại lý ở Trung Quốc) và “trốn” mọi loại thuế nên chi phí thấp hơn. “Cần quản lý các vấn đề như này để đảm bảo sự tồn tại của các doanh nghiệp làm ăn tuân thủ pháp luật”, Ban IV đề xuất.