Theo Sky News, Thủ tướng Rishi Sunak sẽ phải đối mặt với Quốc hội trong ngày 16/1 (theo giờ VN) để giải thích lý do tại sao Anh tham gia cùng Mỹ trong chiến dịch tấn công các mục tiêu của Houthi ở Yemen, và tại sao các nhà lập pháp Anh không được hỏi ý kiến về hành động quân sự này.
Bốn máy bay phản lực Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh đã tham gia vào cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu cuối tuần trước nhằm vào các địa điểm được phiến quân Houthi sử dụng.
Quân đội Mỹ cho biết cuộc tấn công đêm 11 rạng sáng 12/1 đã nhắm vào các kho vũ khí, cơ sở radar và trung tâm chỉ huy của Houthi. Lực lượng Mỹ cũng đã thực hiện một cuộc tấn công khác hôm 13/1 vào một cơ sở radar của Houthi.
Phiến quân Houthi tuyên bố họ đã nhắm mục tiêu vào các tàu có liên quan tới Israel di chuyển trên khu vực Biển Đỏ để đáp trả cuộc chiến ở Gaza. Tuy nhiên trên thực tế họ thường xuyên tấn công các tàu không có mối liên hệ rõ ràng với Israel, gây nguy hiểm cho hoạt động vận chuyển trên tuyến đường thương mại toàn cầu quan trọng này. Đây cũng là lý do khiến Mỹ thành lập liên quân gồm 10 nước, tổ chức loạt cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của Houthi tại Yemen.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps hôm 15/1 cho biết cuộc tấn công ngày 12/1 của Anh được tiến hành “như một hành động đơn lẻ” chứ không phải là một phần của chiến dịch trên, mặc dù ông không loại trừ việc Anh sẽ tham gia vào các cuộc tấn công quân sự tiếp theo.
Ông Shapps nói: “Hiện tại chúng tôi sẽ theo dõi rất cẩn thận để xem (Houthi) làm gì tiếp theo, họ phản ứng như thế nào và chúng tôi sẽ xem xét từ đó”.
Keir Starmer, lãnh đạo Công đảng đối lập chính ở Anh, cho biết ông ủng hộ các cuộc không kích cuối tuần trước nhưng mong đợi sự chia sẻ cởi mở hơn từ chính phủ trong tương lai.
Ông Starmer nói: “Nếu chính phủ đề xuất hành động tiếp theo, thì chính phủ nên nói như vậy và đưa ra vấn đề, và chúng tôi sẽ phải xem xét điều đó trong từng trường hợp cụ thể dựa trên thực tế”.
Đảng Dân chủ Tự do đối lập cũng cáo buộc chính phủ lạm quyền, và cho rằng hành động quân sự cần được Quốc hội bỏ phiếu thông qua.
Chính phủ của Thủ tướng Sunak đang phải đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng về quân sự trong một thế giới ngày càng bất ổn. Vài giờ sau cuộc tấn công vào lực lượng Houthi, ông Sunak đã có mặt ở Kiev, nơi ông tuyên bố viện trợ quân sự thêm 2,5 tỷ bảng Anh (3,2 tỷ USD) cho Ukraine và ký một thỏa thuận an ninh dài hạn với Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Hiện tại Đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Sunak đang bị Công đảng bỏ lại sau trong các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc bầu cử diễn ra trong năm nay.
Trong bối cảnh đó, ông Sunak vẫn đang nỗ lực khôi phục kế hoạch bị đình trệ nhằm gửi những người xin tị nạn đến Rwanda.
Kế hoạch Rwanda là một chính sách gây nhiều tranh cãi và cho đến nay vẫn chưa đưa một người tị nạn nào đến quốc gia Đông Phi này. Nhưng nó đã trở thành một vấn đề mang tính sống còn đối với Thủ tướng Sunak, người đưa công bố cam kết trọng tâm là “ngăn chặn những con thuyền” đưa những người di cư trái phép đến Anh qua eo biển Manche từ Pháp. Hơn 29.000 người đã thực hiện hành trình đầy nguy hiểm đó trong năm 2023. Năm người đã thiệt mạng vào cuối tuần qua khi đang xuống một chiếc thuyền dự định khởi hành từ miền bắc nước Pháp trong bóng tối và cái lạnh mùa đông.
London và Kigali đã đạt được một thỏa thuận gần hai năm trước, theo đó những người di cư đến Anh qua eo biển Manche sẽ được gửi đến Rwanda, nơi họ sẽ phải ở lại vĩnh viễn.
Kế hoạch này đã bị các nhóm nhân quyền chỉ trích là vô nhân đạo và không thể thực hiện được, đồng thời bị thách thức tại tòa án Anh. Vào tháng 11/2023, Tòa án Tối cao Vương quốc Anh đã ra phán quyết rằng chính sách này là bất hợp pháp vì Rwanda không phải là quốc gia an toàn cho người tị nạn.
Đáp lại phán quyết của tòa án, Anh và Rwanda đã ký một hiệp ước cam kết tăng cường bảo vệ người di cư. Chính phủ của Thủ tướng Sunak lập luận rằng hiệp ước cho phép nước này thông qua luật tuyên bố Rwanda là điểm đến an toàn.
Nếu được Quốc hội thông qua, luật này sẽ cho phép chính phủ tránh được một số phần trong luật nhân quyền của Anh liên quan đến vấn đề đẩy người tị nạn tới Rwanda và khiến việc phản đối lệnh trục xuất ra tòa án trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, dự luật đã đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ từ cả những đảng viên Bảo thủ theo chủ nghĩa trung dung, những người cho rằng nó vi phạm luật pháp quốc tế, cũng như từ các nhà lập pháp thuộc phe cánh hữu vốn cho rằng nó chưa đủ mạnh vì vẫn để lại một số cách thức hợp pháp cho người di cư phản đối lệnh trục xuất.
Cả hai phe đều cho biết họ sẽ cố gắng sửa đổi dự luật trong hai ngày tranh luận tại Hạ viện và đỉnh điểm là cuộc bỏ phiếu vào 17/1.
Thủ tướng Sunak cho biết hôm 15/1, ông “tin tưởng rằng dự luật mà chúng tôi nhận được là dự luật cứng rắn nhất mà bất kỳ ai từng thấy và nó sẽ giải quyết vấn đề này một lần và mãi mãi.”