Theo báo cáo tài chính của Tesla, quý III/2023, Musk sở hữu 13% cổ phần hãng xe điện. Đây là con số lớn, nhất là sau khi ông đã bán hàng chục tỷ USD cổ phiếu Tesla năm 2022 để mua Twitter.
Tuy nhiên, Musk vẫn muốn có nhiều quyền lực tại Tesla hơn nữa. "Tôi không thể thoải mái dẫn dắt Tesla trở thành công ty dẫn đầu về AI và robot mà không có 25% quyền biểu quyết. Mức này đủ để tạo ảnh hưởng, nhưng không quá lớn đến mức không ai ngăn cản được tôi", ông viết trên X hôm 15/1.
Musk cho biết nếu không làm được điều này, ông muốn tạo ra các sản phẩm trên ở ngoài Tesla hơn. Từ lâu, Musk đã quảng cáo về phần mềm "tự lái hoàn toàn" của Tesla và các robot giống người. Tháng 4/2022, Musk dự báo robot hình người Optimus "sẽ có giá trị vượt mảng xe và phần mềm tự lái".
Trong bài đăng trên X, ông cho biết sẽ cảm thấy hài lòng với cấu trúc cổ phiếu hai tầng (dual class), để đạt mục tiêu có 25% quyền biểu quyết. Tuy nhiên, ông đã được thông báo rằng việc này là không thể sau khi Tesla làm IPO.
Các công ty có cấu trúc hai tầng thường phát hành 2 hoặc nhiều loại cổ phiếu với quyền biểu quyết khác nhau. Thông thường sẽ có một loại cổ phiếu có quyền biểu quyết lớn hơn, dành cho nhà sáng lập hoặc các nhà đầu tư thời kỳ đầu. Và một loại khác cho các cổ đông khác với quyền bỏ phiếu nhỏ hơn.
"Thật kỳ lạ khi cấu trúc cổ phiếu nhiều tầng (multi-class) như Meta, có thể giúp 20 thế hệ nhà Zuckerberg kiểm soát công ty, lại được chấp thuận trước IPO. Trong khi cấu trúc hai tầng bình thường thì không được phép sau IPO", ông phàn nàn, đề cập đến Meta Platforms của Mark Zuckerberg.
Musk còn đang đối mặt với rắc rối pháp lý về gói thưởng tại Tesla. Richard Tornetta - một cổ đông của hãng xe điện - kiện Musk và HĐQT vài năm qua, cáo buộc Musk dùng quyền lực tại đây để có gói thưởng khổng lồ từ năm 2018 mà không cần phải làm việc toàn thời gian cho hãng xe. Musk và HĐQT đang dừng thảo luận về gói thưởng mới để chờ quyết định của tòa án về việc này.
Hà Thu (theo Reuters)