Giải thích lý do chưa sử dụng dữ liệu từ hộp đen để phạt hành chính lỗi chạy quá tốc độ được Bộ Giao thông vận tải đưa ra trong báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp với dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô.
Trước đó, tại cuộc họp do Bộ Tư pháp chủ trì về việc thẩm định dự thảo nghị định trên, có ý kiến đề nghị sử dụng dữ liệu từ hộp đen vào xử phạt hành chính.
Bộ Giao thông vận tải cho biết hiện nay, dữ liệu từ hộp đen xe kinh doanh vận tải đã được sử dụng để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại nghị định 100/2019/NĐ-CP, trừ dữ liệu về tốc độ do các lý do:
- Hiện nay, việc xử phạt vi phạm tốc độ được lực lượng cảnh sát giao thông xác định thông qua thiết bị đo tốc độ phương tiện giao thông có ghi hình ảnh, thiết bị này được kiểm định theo chu kỳ; việc quá tốc độ được dựa trên so sánh giữa tốc độ của phương tiện và tốc độ cho phép tại địa điểm đo tốc độ.
- Tốc độ ghi nhận qua hộp đen không có độ chính xác như súng bắn tốc độ do dữ liệu định vị vệ tinh để xác định tốc độ lấy tín hiệu từ GPS/GNSS là sóng điện từ, được truyền từ vệ tinh dễ bị nhiễu bởi rất nhiều yếu tố như: hành vi phá sóng; giả mạo tín hiệu; đi qua hầm, để xe trong nhà, lán có mái tôn, giữa các tòa nhà cao tầng hoặc đi qua các khu vực bảo vệ an ninh hạn chế việc tiếp cận sóng điện từ.
- Bên cạnh đó điều kiện tự nhiên (trời nhiều mây, mưa, sóng từ…) có thể gây ra hiện tượng gián đoạn, sai lệch về vị trí, vận tốc và thời gian.
- Mặt khác, qua tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế hầu như chưa có nước nào sử dụng dữ liệu từ hộp đen để xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chạy quá tốc độ trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Bộ Giao thông vận tải cho biết trong thời gian tới sẽ chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với các đơn vị khoa học công nghệ để nghiên cứu, đánh giá tính khả thi của việc sử dụng dữ liệu từ hộp đen trong hoạt động giao thông vận tải.
Trong đó có việc sử dụng dữ liệu để xử lý, xử phạt các hành vi vi phạm; từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính khả thi.
Hiện nay nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định thu hồi phù hiệu, biển hiệu của xe vi phạm khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của mỗi xe trong 1 tháng cho thấy có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000km xe chạy (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5km/h trở xuống).
Trong khi đó, nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định tài xế lái xe chạy quá tốc độ bị phạt theo các mức:
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với tài xế lái xe quá tốc độ quy định từ 5km/h đến dưới 10km/h.
Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với tài xế lái xe quá tốc độ quy định từ 10km/h đến 20km/h; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với tài xế lái xe quá tốc độ quy định trên 20km/h đến 35km/h; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng với tài xế lái xe quá tốc độ quy định trên 35km/h; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.
Phát hiện chiếc xe buýt chạy quá tốc độ, cảnh sát dừng xe kiểm tra thì tài xế có nhiều biểu hiện nghi vấn nên kiểm tra nồng độ cồn cho kết quả 0,237mg/lít khí thở.