Đi qua vùng đáy
Sau khi các vụ việc vi phạm lớn bị phát hiện và truy tố trong năm 2022 như vụ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát - SCB…, thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ quý III/2022 đến quý II/2023 gần như “đóng băng” vì nhà đầu tư mất niềm tin. Tuy nhiên, kể từ tháng 6/2023 đến nay, thị trường này dần “ấm” trở lại.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, trong năm 2023, có 81 doanh nghiệp phát hành trái phiếu, với khối lượng 269.500 tỷ đồng. Con số này tuy còn cách xa mức đỉnh 782.000 tỷ đồng của năm 2021, song đã cho thấy dấu hiệu phục hồi.
Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) ở mức cao hơn, đạt 311.240 tỷ đồng, gồm 29 đợt phát hành ra công chúng trị giá 37.071 tỷ đồng (chiếm 11,9%) và 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 275.028 tỷ đồng (chiếm 88,1%). Trong đó, giá trị phát hành trái phiếu 6 tháng cuối năm 2023 gấp gần 6 lần nửa đầu năm. Riêng tháng 12/2023, có 55 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với tổng giá trị 42.806 tỷ đồng.
Nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 chiếm 92,4%, nhà đầu tư cá nhân chiếm 7,6%, cho thấy cơ cấu nhà đầu tư có sự thay đổi theo hướng bền vững hơn.
Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2023 tổ chức ngày 5/1/2024, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý và xử lý, giải quyết vướng mắc trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023 đã mang lại những kết quả tích cực nói trên.
Theo đó, Nghị định 08/2023/NĐ-CP là một điểm sáng pháp lý, giúp tổ chức phát hành và trái chủ có công cụ để xử lý trái phiếu đáo hạn, thông qua giải pháp mua lại trái phiếu hoặc hoán đổi nợ trái phiếu thành tài sản khác, làm giảm căng thẳng đáo hạn trái phiếu, có tác dụng rất lớn đến việc ổn định thị trường trái phiếu năm 2023.
Đặc biệt, thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được đưa vào vận hành từ tháng 7/2023 đã tạo sân chơi tập trung cho sản phẩm này, góp phần cải thiện tính minh bạch cũng như tăng tính thanh khoản cho trái phiếu và bước đầu tạo tham chiếu về lãi suất cho cả hoạt động sơ cấp và giao dịch thứ cấp. Hiện đã có trên 887 mã trái phiếu của 249 tổ chức đăng ký và giao dịch trên “chợ” trái phiếu.
Bên cạnh đó, công tác giám sát, kiểm tra để phát hiện sai phạm, đồng thời với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các bên tham gia thị trường đã góp phần củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.
Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm mạnh, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cũng giảm, phổ biến trong thời gian gần đây từ 8 - 10%/năm. Một số doanh nghiệp cho biết, họ không huy động vốn bằng mọi giá, mà căn cứ vào tình hình thị trường để tính toán mức lãi suất huy động phù hợp. Ngược lại, nhà đầu tư trái phiếu cũng dần chuyển khẩu vị đầu tư trái phiếu từ chỗ ham lãi suất cao sang tiêu chí lãi suất thấp hơn nhưng an toàn, bằng cách chọn trái phiếu của những doanh nghiệp uy tín.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận xét, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đi qua vùng đáy và đang phục hồi, dù có một số thách thức phía trước như trong năm 2024, giá trị trái phiếu đáo hạn đạt khối lượng kỷ lục (hơn 277.000 tỷ đồng), Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu riêng lẻ chính thức được triển khai đầy đủ sau 1 năm giãn áp dụng một số quy định…
Lấy lại niềm tin
Riêng tháng 12/2023, có 55 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với tổng giá trị 42.806 tỷ đồng.
Theo dự báo của Moody's, trong năm 2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam sẽ phát triển theo hướng kỷ luật và chặt chẽ hơn, niềm tin đối với thị trường tiếp tục hồi phục.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia kinh tế nhận định, thời gian qua, các vụ “lùm xùm” về trái phiếu doanh nghiệp đã được nhận diện, về bản chất chỉ là đầu cơ, lấy bên này bỏ sang bên kia để xử lý dòng tiền… Những kỹ thuật đó đã được nhận diện, vấn đề còn lại chỉ là xử lý. Khi những sai phạm được xử lý dứt điểm, thị trường trái phiếu năm 2024 sẽ phục hồi được niềm tin.
Trong môi trường lãi suất giảm, ông Lạng nhìn nhận, các kênh đầu tư tài sản chiếm ưu thế, dù niềm tin ít nhiều bị đổ vỡ thì nhiều người vẫn phải đầu tư để lấy được “cái tương lai của tài sản”. Hiện nay, khi niềm tin đã có chỗ dựa là Nhà nước, là các tổ chức tín dụng có tài sản bảo đảm, nhiều người sẽ tiếp tục đầu tư, vì giá tài sản có triển vọng tăng.
Nói về giải pháp cụ để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực cho biết: “Chúng ta đang nỗ lực làm việc này. Trong đó, sau hàng loạt vụ việc doanh nghiệp vi phạm phải xử lý, Bộ Công an đang cố gắng tối đa thu hồi tài sản cho nhà đầu tư. Chúng tôi cũng đã kiến nghị giải quyết dứt điểm càng nhanh càng tốt vấn đề này”.
Về lâu dài, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phải công khai, minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Việc áp dụng đầy đủ Nghị định 65/2023/NĐ-CP sẽ gây áp lực nhất định cho doanh nghiệp phát hành, nhưng sẽ tốt hơn cho thị trường, giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.
Ngoài ra, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp khai mạc sáng nay (15/1/2024), kỳ vọng sẽ xử lý được vấn đề sở hữu chéo, qua đó củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Tính liên thông giữa thị trường tài chính và thị trường bất động sản là vấn đề phổ biến không chỉ ở Việt Nam, mà cả thế giới, gây nên rủi ro hệ thống, bắt buộc phải có cơ chế điều chỉnh.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, năm 2024, niềm tin sẽ trở lại với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Với những giải pháp cụ thể, cùng sự hồi phục của nền kinh tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng trưởng bền vững và thực chất, chất lượng được nâng lên một bước đối với cả tổ chức phát hành, nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư.