Số liệu trên được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố sáng 17/1. Mục tiêu tăng trưởng năm ngoái của nước này là quanh 5%.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ) hôm 16/1, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng cho biết nước này có thể đã tăng trưởng 5,2% năm ngoái. Tốc độ này trùng với dự báo của nhiều ngân hàng lớn trên thế giới, trong đó có Goldman Sachs và Morgan Stanley.
GDP quý IV/2023 của Trung Quốc tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước đó. Tốc độ này thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế học trong khảo sát của Reuters là 5,3%. Các quý trước, mức tăng lần lượt đạt 4,6%, 6,3% và 4,9%.
Năm 2022, nền kinh tế lớn nhì thế giới chỉ tăng trưởng 3%, do các chính sách kiểm soát Covid-19 khắc nghiệt. Tốc độ này không đạt mục tiêu năm đó là 5,5%.
Năm 2023, nền kinh tế này được kỳ vọng bùng nổ sau khi gỡ bỏ chính sách Zero Covid tháng 12/2022. Tuy nhiên, đến nay, Trung Quốc vẫn chịu sức ép từ khủng hoảng bất động sản kéo dài, niềm tin tiêu dùng và doanh nghiệp yếu, nợ chính quyền địa phương tăng cao và kinh tế toàn cầu trì trệ.
Số liệu công bố sáng 17/1 cũng cho thấy giá nhà mới tại 70 thành phố nước này giảm 0,45% trong tháng 12 so với tháng trước đó. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2015. Giá nhà trên thị trường thứ cấp giảm 0,79%.
Đầu tư vào tài sản cố định năm 2023 tăng 3%, cao hơn dự báo. Dù vậy, đầu tư vào bất động sản lại giảm 9,6%. Doanh số bán bất động sản (tính theo diện tích sàn) giảm 8,5% năm ngoái. Ngược lại, doanh số bán lẻ tăng gần 28%.
"Quá trình phục hồi hậu Covid-19 đã chấm dứt. Kinh tế Trung Quốc chỉ có thể thực sự tăng tốc năm nay nếu toàn cầu có sự cải thiện lớn, hoặc Bắc Kinh ra chính sách chủ động hơn", tổ chức nghiên cứu China Beige Book International nhận xét trong báo cáo công bố hôm nay.
Hà Thu (theo Reuters)