Từ nhiều năm nay, sản phẩm dâu tây Sơn La vốn không còn xa lạ với người tiêu dùng trong nước. Thời điểm này đang bắt đầu vụ thu hoạch, khi trên những quả đồi ở vùng cao huyện Mai Châu, những nương dâu tây đang chuẩn bị vào mùa chín rộ.
Nhập nhèm nguồn gốc dâu tây Trung Quốc trên thị trường
Với những bà con nông dân trồng dâu, đây là thời điểm mong chờ nhất trong năm, vì sau một vụ mùa đổ mồ hôi sôi nước mắt, nay là lúc được thu hoạch thành quả. Tuy nhiên những gì đang diễn ra trên thị trường khiến những người trồng dâu tây ở địa phương này không thể yên tâm khi tình trạng mạo danh dâu tây Sơn La vẫn đang tiếp diễn. Bằng camera giấu kín, nhóm phóng viên đã ghi được câu chuyện tại một số chợ đầu mối ở Hà Nội.
Chợ Long Biên, vốn là chợ đầu mối nông sản lớn nhất ở Hà Nội. Vì đang bắt đầu vào vụ thu hoạch nên dâu tây ở đây muốn mua bao nhiêu cũng có. Ngoài dâu tây được trồng ở Sơn La, dâu tây nguồn gốc ở bên kia biên giới cũng bạt ngàn.
Dâu tây không thiếu, nhưng thứ thiếu nhất lại là sự trung thực của của người bán. Vì cùng một loại dâu tây, có hình thức và màu sắc y hệt như nhau, nhưng mỗi chủ hàng lại "khai sinh" cho quả dâu có nguồn gốc xuất xứ ở một nơi khác nhau.
Khẳng định chắc nịch sản phẩm dâu tây đang bán là dâu tây Đà Lạt và Sơn La, tuy nhiên theo tiết lộ của một số tiểu thương tại chợ đầu mối Long Biên và chợ Đền Lừ, loại dâu tây này thực chất là dâu tây Trung Quốc. Thời điểm này trùng với vụ dâu ở bên kia biên giới nên lượng hàng được dân buôn nhập về chợ với số lượng lớn, không chỉ bán buôn mà còn bán lẻ.
Tình trạng nhập nhằng nguồn gốc đang là nỗi lo của những người nông dân trồng dâu tây ở Sơn La. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Để có câu trả lời chính xác, nhóm phóng viên đã ngược lên xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, một trong những vựa dâu tây lớn nhất của địa phương này. Theo tìm hiểu, giống dâu tây đang trồng ở Sơn La là giống dâu tây Hana, có hình dáng khác biệt so với loại dâu tây Trung Quốc đang bán ở một số chợ đầu mối tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, cho biết: "Quả dâu tây Trung Quốc trên thị trường ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ quả dâu tây Sơn La. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đang phối hợp để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho quả dâu tây. Việc xây dựng thương hiệu cho các quả dâu tây Sơn La nói chung và thương hiệu quả dâu tây của hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn là rất quan trọng và cấp thiết trong thời gian tới".
Thời điểm này bắt vào vào vụ thu hoạch, trung bình 1 kg dâu tây Sơn La đang được bán trên thị trường với giá dao động từ 120.000 - 300.000 đồng. Tuy nhiên, dâu tây "mạo danh dâu tây Sơn La" cùng loại, cùng kích thước đang được các tiểu thương tại chợ bán với mức giá chỉ rẻ bằng một nửa.
Tình trạng nhập nhằng nguồn gốc này đang là nỗi lo của những người nông dân trồng dâu tây ở Sơn La, vì nếu tiếp diễn, sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình tiêu thụ sản phẩm và có thể không bán được nông sản của mình.
"Dâu nhà mình đang bán 100.000 đồng. Khách hàng bán 110.000 đồng. Dâu Trung Quốc về nhưng người ta bảo lấy ở Sơn La nhưng chỉ bán 50.000 đồng thì tôi bán làm sao được. Người ta chỉ lấy dâu Trung Quốc. Những người đó đang không phân biệt được dâu tây Trung Quốc và dâu tây Sơn La như thế nào", chị Nguyễn Thị Huyền Trang, Đại diện Hợp tác xã Dâu tây IChi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, Sơn La, cho hay.
Cách phân biệt dâu tây Sơn La
Những người trong nghề kinh doanh trái cây tiết lộ, không khó phân biệt nguồn gốc xuất xứ của dâu tây Sơn La trên thị trường, nhưng phải có kinh nghiệm để nhận diện.
"Khi nhìn vào 2 loại dâu Sơn La và dâu Trung Quốc, khi nhìn vào đã thấy khác nhau. Màu của dâu Sơn La sẽ là màu đỏ thẫm, còn màu dâu Trung Quốc sẽ là màu cam.
Phần tiếp theo sẽ là đài sen. Đài của dâu Trung Quốc rất to. Khi người ta hái dâu Trung Quốc thì người ta cắt cả cuống. Còn với dâu Sơn La, cùng hạng size, đài của nó rất là bé, được ngắt bằng tay nên không còn cuống ở đây. Hình dâu Trung Quốc thon dài, còn dâu Sơn La là hình oval.
Có một điểm khác biệt rất hay, phải người tinh ý mới nhận ra được, đó là hạt của dâu Sơn La chìm xuống dưới, khi sờ không cảm thấy hạt của nó đâu. Còn dâu Trung Quốc thì hạt nổi, sờ thấy hạt.
Khi cắt ra, ruột bên trong dâu Sơn La có màu đỏ hồng. Còn dâu Trung Quốc thì lõi của nó sẽ là lõi màu trắng", anh Khổng Vũ Minh Long, Phụ trách kinh doanh Cửa hàng trái cây hoa quả Ưu Đàm, cho biết.
Bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm dâu tây Sơn La
Không thể phủ nhận cây dâu tây đã trở thành "cây thoát nghèo" cho bà con vùng cao ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, khi đã từng bước giúp các hộ dân phát triển kinh tế, gia tăng nguồn thu nhập hàng năm, tuy nhiên với diện tích vùng trồng tăng lên nhanh chóng qua một vài năm trở lại đây, đến vụ thu hoạch, bà con lại đối mặt với một nỗi lo mới, nỗi lo tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản của mình. Đây cũng là bài toán cần lời giải đặt ra với cơ quan quản lý tại địa phương, tránh điệp khúc "được mùa mất giá" như câu chuyện đã từng xảy ra với những nông sản ở địa phương khác.
Khu vực này vốn dĩ trước đây là đất trống đồi trọc, nhưng hiện đã được phủ xanh bởi những nương dâu tây của bà con. Trong vị ngọt mát của những trái dâu đỏ mọng, ít ai biết rằng có cả những vị đắng mà chỉ những người trồng mới hiểu.
"Chăm như chăm con mọn. Vì thời điểm chưa có quả rất khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, đôi khi cần nắng không nắng, cần mưa thì không mưa. Nhiều khi sau trận mưa, hôm nay hái được 5 tạ, hôm sau lọc ra được 1 tạ dâu", chị Nguyễn Thị Huyền Trang, đại diện Hợp tác xã Dâu tây IChi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, Sơn La, chia sẻ.
Nghề trồng dâu ở đây như đánh bạc với trời. Trong khi theo tính toán, đầu tư 1 ha trồng dâu, trung bình các hộ dân phải bỏ ra từ 600 - 700 triệu đồng, gồm các chi phí cây giống, nhân công chăm sóc và phân bón đi kèm. Theo các hộ dân, nếu thuận lợi thì có lãi, còn khó khăn thì phải bù lỗ.
Để đến ngày thu hái, bà con trồng dâu tây ở Sơn La đã đổ mồ hôi công sức và cả tiền bạc của mình vào những quả đồi. Dù được mùa, nhưng nỗi lo vẫn còn đó, vì lâu nay họ vẫn đang phải chật vật trên con đường tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản của mình.
"Lo là không về bờ an toàn. Số vốn đầu tư lớn, trong khi giá cả không như năm trước. Đầu mùa như mọi năm, dâu to thì trên 200.000 đồng/kg. Năm nay giá rẻ hơn, chỉ trên 100.000 đồng, khoảng 170.000 - 180.000 đồng/kg", chị Trần Thị Yến, bản Xuân Quế, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, cho hay.
Còn anh Nguyễn Văn Thụy, Giám đốc Hợp tác xã Dâu tây IChi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, cho biết: "Như năm ngoái, các cửa hàng nhà mình dưới Hà Nội bán một ngày hàng nghìn đơn hàng, nhưng năm nay mỗi ngày chỉ có 200 - 300 đơn hàng. Sản lượng năm nay nhiều hơn năm ngoái, gấp đôi năm ngoái nên nỗi lo của HTX và bà con sợ nhất là rẻ cũng không bán được hàng".
Thời điểm này bắt đầu vào vụ nên trung bình mỗi ngày hợp tác xã chỉ thu mua từ 2 - 3 tấn dâu tây của bà con. Tuy nhiên khoảng 1 tháng tới, khi chính vụ, số lượng ước tính tăng gấp hơn chục lần. Tại huyện Mai Sơn, với diện tích hơn 400 ha, dự kiến đợt cao điểm, sẽ thu hoạch khoảng 40 - 50 tấn dâu tây mỗi ngày. Trong khi đặc thù, loại quả này chín rộ không để tồn được sang ngày hôm sau.
Không chỉ tìm khách mua tại các chợ đầu mối ở khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc, mỗi ngày, chị Trang (đại diện Hợp tác xã Dâu tây IChi) lại đều đặn lên live stream để quảng cáo bán dâu tây. Nhanh gọn, thuận tiện, nhưng cách bán hàng này vẫn còn bấp bênh, thiếu sự ổn định.
Trồng được quả dâu tây đã vất vả, nhưng để bán hàng được suôn sẻ cũng không dễ dàng. Tình cảnh có trồng mà không có thu hay nỗi lo về một vụ canh tác "được mùa mất giá" là điều tất cả những bà con trồng dâu ở Sơn La không muốn tái diễn. Vì đơn giản chỉ là họ không muốn cảm nhận vị đắng của những trái dâu tây vốn ngọt mát này.
VTV.vn - Giá dâu tây xuống thấp, nhiều hộ dân tại Sơn La nhổ bỏ những cây dâu vẫn đang trong thời kỳ thu hoạch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!