Ngày 17/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chủ trì hội nghị.
Gần 30% số đối tượng phạm tội do thất nghiệp, thiếu việc làm
Theo báo cáo kết quả của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ, năm 2023 dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp và sự ủng hộ của nhân dân, công tác phòng, chống tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã tập trung triển khai quyết liệt các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ban chỉ đạo 138 Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm. Trong số đó, các đơn vị đã tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tội phạm; đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm nổi lên, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp hoạt động cưỡng đoạt tài sản, tội phạm liên quan lĩnh vực kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy.
Tiến độ điều tra các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được đẩy mạnh. Các vụ án điểm được dư luận xã hội quan tâm được đưa ra xét xử kịp thời...
Tại hội nghị, báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho thấy năm 2023, công tác phòng, chống tội phạm và chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả được tăng cường. Lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vụ án, vụ việc, đường dây, đối tượng vi phạm, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trong năm 2023, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 146.678 vụ vi phạm (tăng 4,95% so với cùng kỳ). Trong đó, các đơn vị, địa phương phát hiện, xử lý 11.499 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (giảm 3,73% so với cùng kỳ); 129.713 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 4,51% so với cùng kỳ); 5.464 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 48% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 616 vụ (giảm 4,05% so với cùng kỳ), 724 đối tượng (tăng 0,56% so với cùng kỳ).
Lực lượng Công an toàn quốc nắm chắc tình hình, làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, xác định địa bàn, tuyến, lĩnh vực, đối tượng trọng điểm về buôn lậu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng giả như ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, thuốc lá, thuốc lá điện tử, vàng, ngoại tệ, xăng, dầu, khoáng sản, đường cát, thực phẩm, gia súc, gia cầm…; tổ chức đấu tranh, triệt phá tổ chức, đường dây, đối tượng phạm tội trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp trái phép, giao dịch ngoại hối trái phép.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đã thông tin nhận diện những nguyên nhân nổi bật dẫn đến tình hình tội phạm trong thời gian qua, từ đó đề xuất với Chính phủ, các ban, bộ, ngành chức năng triển khai chỉ đạo, xử lý.
Theo thống kê sơ bộ, trong năm 2023, gần 30% số đối tượng phạm tội do thất nghiệp, thiếu việc làm. Nhiều đối tượng cướp ngân hàng, thủ đoạn gây án manh động xuất phát từ việc thiếu nợ, thiếu tiền do không có việc làm.
Trước tình trạng này, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quan tâm đến công tác đảm bảo an sinh xã hội, lao động, việc làm, nhất là những người yếu thế trong xã hội.
Về tội phạm liên quan đến người nghiện ma túy, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần tăng cường quan tâm chú ý đến tình trạng này; tập trung phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong quản lý, đưa người nghiện đi cai nghiện, đảm bảo công tác tái hòa nhập cộng đồng,…
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đã nêu các giải pháp trước tình trạng tội phạm lợi dụng sim rác, những tài khoản trên mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để ngăn chặn hiệu quả tội phạm "tín dụng đen," Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành triển khai hiệu quả những chính sách tín dụng, cho vay, tạo sinh kế, nguồn lực để phát triển kinh tế cá nhân, hộ gia đình.
Từ ngày 1/7/2023, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở có hiệu lực. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an triển khai hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, trật tự; rà soát, nắm bắt, hòa giải những mâu thuẫn, nguy cơ về an ninh trật tự ngay từ cơ sở.
Để đảm bảo an ninh, trật tự trong dịp Tết, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo, rà soát, phòng ngừa hiệu quả những vi phạm pháp luật, nhất là về pháo nổ, "tín dụng đen;" phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ nhân dân vui Xuân, đón Tết Nguyên đán an vui, hạnh phúc.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2024.
Ma tuý là nguồn cơn nảy sinh nhiều loại tội phạm
Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương những thành tích, kết quả của các bộ, ngành cũng như thành viên hai Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã đạt được trong năm 2023.
Để công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt kết quả cao, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia. Từng bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng ngừa tội phạm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa tội phạm.
Trong năm 2024 và thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trước bối cảnh thế giới, trong nước, sự phát triển của khoa học, công nghệ và các yếu tố "phi truyền thống", do đó công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật sẽ còn phức tạp, khó khăn hơn.
Phó Thủ tướng đề nghị cần củng cố, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức trong công tác phòng, chống tội phạm; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan bảo vệ pháp luật đủ phẩm chất, năng lực, uy tín phục vụ nhân dân, bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao đang ngày một tinh vi hơn.
Cùng với đó, các bộ ngành, địa phương chủ động trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp, nổi cộm.
Bày tỏ sự quan tâm rất lớn đến công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma túy, quản lý người nghiện, sau cai nghiện, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là nguồn cơn nảy sinh của rất nhiều loại tội phạm.
Phó Thủ tướng đề nghị phải đẩy mạnh phòng ngừa kết hợp tăng cường tuyên truyền, để ngăn ngừa ma túy và những nguy cơ phát sinh các loại tội phạm khác.
Phó Thủ tướng đề nghị tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật, pháp luật, bao che, tiếp tay, bảo kê hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả công tác của đơn vị, địa phương mình quản lý.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc kết nối dữ liệu, ứng dụng Đề án 06 để phối hợp thực hiện tốt công tác phòng ngừa, xử lý các vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung tuần tra, kiểm soát chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định nhằm gỡ "thẻ vàng" IUU của Ủy ban châu Âu.