Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 này, ước tính có đến 2/3 dân số của thị trường 100 triệu dân đang vào độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi).
Năm 2023, số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 67,5%, trong khi con số này của năm 2019 chỉ là 52% tổng dân số.
Không chỉ lao động trẻ tuổi, dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, nếu Việt Nam tận dụng tốt hơn nguồn lao động lớn tuổi cũng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề trong bài toán thị trường lao động hiện nay.
Tận dụng nguồn lực người cao tuổi
Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử - chủ tịch Hội đồng khoa học (Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em) - người cao tuổi phần lớn sinh ra, lớn lên từ hai cuộc chiến, kinh tế khó khăn nên sức khỏe hiện không tốt.
Khoảng 20% người cao tuổi hiện có lương hưu, dưới 30% người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội. Tức là vào khoảng xấp xỉ 50% người cao tuổi có thu nhập thường xuyên và trợ cấp, số còn lại có thể là gánh nặng cho hệ thống an sinh.
Từ thực tế này, ông Cử cho rằng rất cần có chính sách tạo điều kiện cho người cao tuổi có nguyện vọng đi làm được làm việc. Chẳng hạn có thể khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động người cao tuổi ở một số vị trí đòi hỏi người có tri thức, trình độ, tư vấn dưới dạng chuyên gia nếu họ còn sức khỏe, đảm bảo năng lực qua giảm thuế, hỗ trợ chuyển dịch nghề nghiệp.
"Nhiều nước còn hỗ trợ tiền lương cho người cao tuổi. Đồng thời phải đẩy mạnh xây dựng xã hội thân thiện với người cao tuổi bởi lực lượng này càng đông dễ dẫn đến mâu thuẫn trong sinh hoạt do khác biệt về tư duy, lối sống với thế hệ sau" - ông Cử nêu.
Thạc sĩ Chu Thị Lê Anh - giảng viên Học viện Chính trị khu vực I - nhìn nhận việc hỗ trợ, tạo việc làm cho người hết tuổi lao động vẫn có nhu cầu làm việc là lời giải cho "bài toán kép" vừa toàn dụng lao động vừa giảm gánh nặng an sinh.
Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp dưới hình thức cho vay vốn với lãi suất ưu đãi nếu nhận lao động mất việc đi làm lại hoặc người cao tuổi theo diện chuyên gia. Việc này cần nêu rõ trong dự án Luật Việc làm sửa đổi sắp tới.
Cường quốc dân số nhưng nhiều thách thức
GS.TS Nguyễn Đình Cử nói Việt Nam sẽ trở thành cường quốc dân số, là một trong 15 quốc gia đông dân nhất thế giới, đứng thứ 8 châu Á và thứ 3 Đông Nam Á. Lấy mốc từ khi chính thức đổi mới năm 1986, theo ông Cử, đến năm 2007 Việt Nam đã bước vào thời kỳ dân số vàng cũng là lúc đầu tư nước ngoài và trong nước tăng lên rất nhiều.
"Chúng ta đã mở rộng được việc làm, tận dụng được nguồn lao động, phát triển kinh tế đất nước trong thời gian dài. Đơn cử ngay trong năm 2021 dù bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 nhưng tỉ lệ thất nghiệp của chúng ta chỉ khoảng 2,58%" - GS Cử phân tích.
Thị trường hơn 100 triệu dân trong thời kỳ dân số vàng là nguồn lao động rất lớn song đặt ra thách thức làm sao tận dụng được nhân lực, tạo cơ hội việc làm rộng rãi, đảm bảo việc làm. Một trong những khó khăn phải đối diện là mật độ dân số nước ta khá lớn, khoảng 300 người/km2, cũng chính là sự quá tải của dân số với tài nguyên đất, có thể dẫn đến đầu cơ, tăng giá đất.
Một vài nghiên cứu gần đây chỉ ra Việt Nam bước vào thời kỳ già hóa dân số muộn nhưng tốc độ già hóa lại khá nhanh. Do đó, thời gian chuẩn bị cho dân số già rất ngắn so với các nước phát triển. Nghiên cứu còn cho thấy chất lượng dân số có tăng nhưng chưa cao, trình độ chuyên môn kỹ thuật có việc làm còn thấp.
Chuyển dịch cơ cấu lao động rất tốt nhưng mức đạt được còn thấp. Yêu cầu đặt ra chính là cần nâng cao chất lượng lao động cho hàng chục triệu người. Chưa kể những thách thức về mất cân bằng giới tính, tỉ lệ sinh mới không đồng đều giữa các khu vực.
Tham gia hệ thống an sinh xã hội sớm
PGS.TS Nguyễn Trung Anh - giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương - cảnh báo mỗi người cao tuổi có thể mắc trên ba bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Parkinson, sa sút trí tuệ, đột quỵ.
Do đó, việc vận động, thu hút người lao động sớm tham gia hệ thống an sinh xã hội, có bảo hiểm y tế để phòng ngừa biến cố rủi ro như tai nạn lao động, mất sức lao động rất quan trọng.
Người cao tuổi cần được duy trì chăm sóc, điều trị sức khỏe đều đặn nên đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe toàn diện. Vì thế càng phải quan tâm hơn việc vận động, thu hút lao động trẻ tham gia các loại bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, y tế để khi về già hoặc gặp tai nạn lao động, mất sức lao động sẽ được bảo vệ.
"Hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi" - TS Nguyễn Trung Anh nói.
Bộ LĐTBXH đang nghiên cứu bổ sung thêm chính sách mới hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp (DN) để tạo việc làm cho lao động lớn tuổi.