Sáng 18-1, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã chứng kiến lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư, xây dựng một số dự án trọng điểm tại thủ đô giữa Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex).
Theo bản ghi nhớ, các bên liên quan thống nhất cùng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai nghiên cứu các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của Hà Nội, trong đó tập trung vào 2 dự án.
Ký ghi nhớ hợp tác xây cầu Tứ Liên
Thứ nhất, dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với tổng chiều dài tuyến khoảng 11,5km từ nút giao Nghi Tàm đến nút giao vành đai 3 (cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên).
Xây dựng cầu Tứ Liên với chiều dài 2,924km, trong đó cầu chính dài 1km, quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch bảo đảm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn đi bộ...
Tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỉ đồng.
Thứ hai, dự án đầu tư xây dựng tuyến metro số 5, đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc. Quy mô tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa với chiều dài 38,43km (gồm 6,5km đi ngầm, 2km đi cao và 29,93km đi trên mặt đất), 21 ga và 2 khu depot.
Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 65.000 tỉ đồng.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Đào Ngọc Thanh - chủ tịch hội đồng quản trị Vinaconex - cho biết Vinaconex với tiềm năng và kinh nghiệm, đã tham gia nhiều dự án giao thông lớn rất mong mỏi được tham gia đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của TP Hà Nội.
Ông Thanh cho biết bằng bản ghi nhớ trên, Vinaconex, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương cam kết sẽ triển khai các dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả.
Công trình trọng điểm
Dự án cầu Tứ Liên và tuyến metro số 5 Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội, được hệ thống chính trị TP và người dân đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình trạng ùn tắc giao thông đang trở nên nghiêm trọng và nhu cầu kết nối giao thông hai bờ sông Hồng ngày càng cao thì việc triển khai 2 dự án trên đúng thời điểm, đúng tiến độ là việc làm cấp bách.
Về Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (viết tắt là CPCG), được thành lập năm 1986. Đây là doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực công trình và xây dựng với ngành nghề trọng tâm là đầu tư, xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng.
Các chuyên gia cho rằng nếu vẫn thực hiện theo cơ chế cũ, đến năm 2035, Hà Nội và TP.HCM đạt 400km metro là điều "bất khả thi". Vì vậy, có chuyên gia nêu giải pháp cho 2 TP được phát hành trái phiếu địa phương để huy động vốn.