Thường thờ ơ với những gì thời thượng, TRẦN TIẾN bỗng lập kênh Nhạc sĩ Trần Tiến trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến, chuẩn bị in sách nhạc và có thể làm tiếp một chuyến du ca.
Tuổi tác đã khiến Trần Tiến kiêu bạc khi xưa thành người biết sắp xếp, lo toan?
Tuổi Trẻ trò chuyện với người nhạc sĩ tài năng, cá tính này.
Dở dở dang dang mới đáng yêu
* Điều gì đã khiến một Trần Tiến bao năm không thèm in sách nhạc, ra album thì nay lại bắt đầu lập kênh nghe nhạc trực tuyến, chuẩn bị in sách nhạc và có thể du ca?
- Tôi không bắt đầu gì cả. Cuộc đời tôi cho đến lúc này vẫn giữ một điều đó là thích thì viết và viết không để làm gì. Suốt đời tôi chỉ hứng lên thì viết, rồi hát nghêu ngao một mình hay với bạn bè, với rượu, với một cô gái xinh đẹp nào đó ở cõi nào đó mình tưởng tượng ra, hát với cây cỏ, với con giun con dế và chẳng để làm gì.
Nhưng ông trời sắp đặt thế nào làm mọi người cứ yêu nhạc của tôi. Và họ chờ đợi tôi in các bài hát, công bố các bản audio bài hát gốc của mình.
Nên bây giờ tôi nghĩ có lẽ phải in, phải đăng tải nhạc của mình thôi. Lại gặp được những đứa em, đứa cháu dân công nghệ, yêu nhạc của tôi muốn đứng ra làm cho tôi thì tôi làm. Chuyện là vậy thôi.
* Có phải tuổi tác đã khiến một Trần Tiến từng rất ngạo nghễ không thèm in sách nhạc, ra album cũng phải chỉn chu hơn?
- Không, tôi vẫn phải bụi cho đến khi chết. Không chỉn chu.
Người đàn ông phải dở dở dang dang mới đáng yêu. Đàn ông chỉn chu, hoàn hảo thì không có thật đâu vì trên đời này không có gì hoàn hảo cả.
* Nhưng nghe thấy giống một người già đang chuẩn bị sắp xếp, gửi lại những di sản của mình cho đời sau?
- Nó cũng giống thế. Chứ chẳng lẽ lại mang mấy trăm bài hát xuống hát cho giun cho dế.
Bằng Kiều hát Mặt trời bé con của Nhạc sĩ Trần Tiến - Nguồn: Kênh YouTube Nhạc sĩ Trần Tiến
* Rất nhiều người quan tâm tới sức khỏe của ông sau khi hay tin ông mắc bạo bệnh. Ông đang thế nào?
- Tôi tạm ổn. Vẫn mê người đẹp, vẫn thích sự thú vị, vẻ dịu dàng, luôn e ấp một cái gì đó của phụ nữ. Vẫn thích cái ngang tàng của những thằng bạn, ghét tất cả đàn ông nhà văn, nhà thơ, kịch sĩ, họa sĩ, ca sĩ... làm điệu.
* Nhưng nhìn ông cũng thấy rất điệu?
- Tại vì câu nói của cô bạn gái: Anh đã là người nổi tiếng rồi thì ra đường nhớ ăn mặc chỉn chu, bây giờ già rồi thì càng phải chú ý để đừng mất phong độ. Mà cũng cần phải phân biệt điệu với có gu. Tôi ăn mặc có gu chứ chẳng phải điệu.
Nhưng tôi vẫn nghĩ sự ấm áp của tình người, là tấm lòng muốn cho đi, cống hiến cho người khác sẽ đẹp và quý hơn một khuôn mặt, dáng vẻ được chăm chút. Niềm hạnh phúc của cống hiến vẫn hơn áo quần lượt là ta mặc. Tôi cố gắng giữ cho mình cái vẻ đẹp bên trong ấy.
Nhạc của tôi không có mùi tiền
* Những bài hát của ông đầy tình yêu thương với những thân phận người, với quê hương, đất nước mình nên mới được thương đến thế?
- Là trời cho đấy. Trước đây tôi cứ tưởng tôi sáng tác, sau này tôi mới quý, mới biết ơn trời, chứ khả năng của mình có hạn thôi, chỉ chiếm 10 - 20%, còn lại là trời cho.
Có một điều trớ trêu là tôi thường viết về những thân phận nghèo khổ, bất hạnh nhưng những người này lại không có tiền vào những phòng trà, những nhà hát sang trọng nghe nhạc của tôi.
Người giàu, người hạnh phúc mới vào nhà hát, phòng trà nghe nhạc. Nên tôi không bao giờ hát ở phòng trà, hát showbiz.
Tôi chỉ đi hát trong các đêm nhạc từ thiện hay trong đêm nhạc Trần Tiến thôi. Tôi không thích âm nhạc của mình dính đến tiền. Nhạc của tôi không có mùi tiền. Tôi đố các bạn phát hiện được bài hát nào của tôi có mùi tiền.
Nhạc sĩ Trần Tiến hát ca khúc Nào phượt thôi ông mới sáng tác - Nguồn: Kênh YouTube nhạc sĩ Trần Tiến
* Vậy mà Trần Tiến đã viết theo đơn đặt hàng rất nhiều?
- Hồi đó tôi đói, tôi kiếm tiền để sống mà viết nhạc. Những bài đó tôi không cho là tác phẩm. Thế nhưng người ta vẫn cho đó là những bài hát hay nhất của tôi.
Như bài Sao em nỡ vội lấy chồng, Mưa bay tháp cổ, Sen hồng hư không, Vết chân tròn trên cát, Đôi mắt mang hình viên đạn, Mùa xuân gọi... đều là viết thuê. Nhưng nghe những bài hát ấy của tôi, không ai thấy là tôi đã viết thuê cả.
* Ông đã làm thế nào để theo đơn đặt hàng mà lại thành những bài hát để đời như vậy?
- Không có cách nào cả. Trời cho tôi đói rách để tôi nhận lời viết thuê. Trời đồng thời cho tôi điều này: dưới ngòi bút của tôi thì không cái gì có thể thuê được. Tất cả đều là tâm hồn của tôi, máu thịt của tôi.
Thế giới cũng chứng kiến nhiều nghệ sĩ nhờ viết thuê mà thành tài. Với điều kiện là tiền viết thuê ấy chỉ để đủ sống, không bao giờ được bán linh hồn cho quỷ thì những người đó sẽ là những nghệ sĩ của nhân dân.
Và trời cho tôi một trái tim nhạy cảm, yêu người, yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu từng ngọn cỏ, con dế.
Kiến bò lên tôi lấy đồ ăn của tôi cho chúng ăn chứ không đuổi chúng đi. Vì chúng cũng là những sinh vật ngang hàng với tôi dưới vũ trụ này. Hồi đi hát Marathon rock vì dân chủ ở Liên Xô cuối những năm 1980, mấy tháng trời tôi không nhìn thấy con kiến nào vì quá lạnh.
Khi về một thành phố ấm áp hơn, tôi mới được nhìn thấy kiến, thấy gián. Tôi sung sướng quá, ngồi nói chuyện với chúng. Tất cả các bạn Nga nhìn tôi tưởng tôi... thần kinh.
Tôi luôn tự nhắc đừng tưởng mình là cái gì kinh lắm
* Điều này ở ông rất giống với tinh thần nhà Phật. Nhưng trong cuốn sách Ngẫu hứng, một đôi chỗ người ta thấy ông có vẻ hơi chế giễu những người theo đạo hay thiền?
- Không, tôi không chế giễu ai đâu mà tôi tự giễu mình. Tôi cũng không theo đạo hay tu thiền, tôi là người vô thần.
Tôi có viết ca khúc ảnh hưởng của đạo Phật nhưng đó là bài viết thuê. Bài Sen hồng hư không.
Hồi ấy chủ tịch một tập đoàn kinh doanh tôn có thuê tôi viết bài hát về thương hiệu tôn này.
Nhưng cả tháng trời tôi không viết được nốt nhạc nào, lại mang 200 triệu đến trả lại. Nhưng ông chủ tịch không nhận, bảo: "Anh là nhạc sĩ nổi tiếng. Em được tặng anh là em vui, viết hay không viết không thành vấn đề".
Nghe vậy, tôi thấy cái lòng của ông này hay nên lại không bỏ cuộc. Tới chỗ ông này làm việc tôi mới thấy một điều lạ: đến giờ là tất cả nhân viên ngồi lạy Phật, đọc kinh Phật trước khi vào làm việc, chứ không phải là đọc báo đầu buổi sáng.
Từ đấy, tôi mới lấy cảm hứng viết bài Sen hồng hư không. Chưa tới một ngày từ lúc tôi mang tiền đến trả lại không thành, tôi đã đưa bài hát cho ông chủ tịch tập đoàn. Ông ấy hoàn toàn bất ngờ. Ông rất thích vì rất đúng với tinh thần yêu đạo Phật của ông và công ty ông.
Đạo Phật là đạo mà mẹ tôi quý trọng. Nhờ đạo Phật mà mẹ mới sinh ra tôi. Tôi nhờ máu mủ của mẹ cha mà được sinh ra làm con người hiền, giàu yêu thương.
Tùng Dương từng mang bài này đi hát ở Nepal, người dân bên đó rất thích. Lời bài hát được dịch sang tiếng Phạn và bài hát được coi như là một bài Phật ca ở đất nước Phật giáo này. Đó là trời cho tôi.
* Lại nói về chuyện lựa chọn, liệu Trần Tiến mà chọn thành người nấu phở sau khi được ông chủ quán phở Cồ Cử truyền nghề thì sẽ ra sao nhỉ?
- Thì có phải là phí không. Mình làm nhạc sĩ, rồi thì thỉnh thoảng các em mình về chơi, uống rượu say rồi đòi mình nấu cho bát phở thật ngon và mình nấu được thì có phải là sướng không.
* Ông từng viết rằng giá ông cứ nấu phở thì nhạc Việt đâu có gì thiệt?
- Cũng chẳng thiệt gì mà. Tôi nói thế để tự nhắc mình đừng tưởng mình là cái gì kinh lắm. Không có anh thì chợ vẫn vui, nhưng có mình thì chợ vui hơn, thế thôi. Nếu không có Trần Tiến thì lại có một anh Trần Tiền, viết có khi còn hay hơn Trần Tiến.
Kể từ khi được biết đến, hành trình nghệ thuật Hiền Lê đi qua đều có bóng dáng của Trần Tiến. Trong album Vĩ cầm ca ra mắt ngày 5-1-2024, nữ ca sĩ hát hai bài mà cô rất thích của "gã lãng tử du ca".