Trước khi tái hôn tôi có sở hữu một căn hộ (chỉ mình tôi đứng tên). Nay tôi muốn cho tặng căn hộ này cho con trai riêng của tôi thì có cần phải có chữ ký của người chồng hiện tại không?
Thủ tục sẽ như thế nào là tiện lợi khi con tôi vẫn đang học tập và lao động ở nước ngoài?
Một bạn đọc gửi câu hỏi tới Tuổi Trẻ Online.
- Luật sư Tào Văn Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn:
Tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân:
Theo quy định tại điều 43 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 thì tài sản riêng của vợ, chồng bao gồm:
Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Như vậy theo như bạn cho biết thì căn hộ là do bạn làm chủ sở hữu trước khi tái hôn nên đây là tài sản riêng của bạn trước khi kết hôn.
Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản riêng của vợ, chồng:
Theo quy định tại điều 44 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản riêng của vợ, chồng thì:
Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.
Theo quy định này thì bạn có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình, có nghĩa là bạn có quyền tặng cho con trai riêng của bạn mà không cần phải có sự đồng ý của người chồng hiện tại.
Tuy nhiên, trong trường hợp căn hộ mà bạn đang sở hữu có sinh hoa lợi, lợi tức và đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của người chồng. Ví dụ như căn hộ đó đang cho thuê và tiền thuê đó đang là thu nhập duy nhất của gia đình bạn.
Thủ tục tặng cho tài sản cho người con đang lao động và học tập ở nước ngoài:
Việc tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản được công chứng, chứng thực:
Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký. Nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.
Như vậy, để thực hiện công chứng việc tặng cho bạn phải chuẩn bị các bước sau:
- Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ để lập hợp đồng tặng cho và công chứng chứng thực như: căn cước công dân của bạn, hộ khẩu thường trú của bạn, căn cước công dân của con bạn, hộ chiếu của con bạn, giấy tờ liên quan đến căn hộ, giấy khai sinh của con bạn.
- Nếu con bạn thu xếp thời gian nghỉ hè hoặc về Việt Nam trong dịp lễ Tết thì cùng bạn đến phòng công chứng lập hợp đồng tặng cho có công chứng.
Trong trường hợp cấp bách, cần phải thực hiện ngay vì một lý do nào đó mà con bạn không thể về Việt Nam:
Theo quy định tại khoản 1, điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015 về việc đại diện theo ủy quyền thì cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Như vậy, con bạn có thể lập văn bản ủy quyền cho một người khác tại Việt Nam thay mình đại diện thực hiện giao dịch nhận tặng cho căn hộ.
Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.
Theo quy định này thì con bạn có thể đến Đại sứ quán của Việt Nam tại nơi học tập, lao động lập hợp đồng ủy quyền để ủy quyền cho một người tại Việt Nam được nhận tặng cho căn hộ.
Hợp đồng ủy quyền có chứng thực của Đại sứ quán sau đó được gửi về Việt Nam. Tiếp theo người được ủy quyền tại Việt Nam mang hợp đồng ủy quyền này đến phòng công chứng nơi người được ủy quyền cư trú để thực hiện công chứng tiếp vào hợp đồng ủy quyền nêu trên. Thực hiện xong bước này thì hợp đồng ủy quyền mới có hiệu lực.
Sau đó, bạn sẽ cùng người được ủy quyền tại Việt Nam đến phòng công chứng để thực hiện hợp đồng tặng cho căn hộ cho người con đang học tập, lao động ở nước ngoài.
Sau khi thực hiện xong hợp đồng tặng cho căn hộ có công chứng chứng thực, con bạn cần thực hiện bươc tiếp theo là đăng ký quyền sở hữu tại Văn phòng đăng ký đất đai nơi có bất động sản thì mới hoàn tất thủ tục tặng cho căn hộ. Trong trường hợp đang lao động hợp tác tại nước ngoài cũng có thể ủy quyền cho người khác thực hiện.
Việc bạn tặng cho con bạn căn hộ được miễn thuế trước bạ, miễn thuế thu nhập cá nhân.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.
Con mới 14 tuổi, cha mẹ muốn tặng nhà cho con, vậy thủ tục tặng cho được thực hiện như thế nào?