Các vụ tấn công này không chỉ làm hư hỏng tàu thuyền mà một số ngư dân đã phải đổ máu, nhập viện.
Tình hình nóng bỏng đến mức ngày 16-1 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải có văn bản khẩn gửi chính quyền tỉnh Cà Mau đề nghị cơ quan chức năng tỉnh này nhanh chóng vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm tình trạng bảo kê, chiếm đoạt ngư trường kiểu "xã hội đen" trên biển Tây để ngư dân an tâm bám biển.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Vùng Cảnh sát biển 4 điều tàu và cán bộ chiến sĩ vào cuộc giúp Cà Mau ngăn chặn.
Động thái trên là cần thiết và cũng cho thấy cơ quan quản lý nhà nước sốt ruột trước tính chất, mức độ nghiêm trọng của các vụ việc đụng độ trên biển.
Thế nhưng dường như vẫn chưa thể xoa dịu hết nỗi lo lắng đang bao trùm hàng ngàn gia đình ngư dân thúc giục chính quyền tỉnh Cà Mau vào cuộc quyết liệt hơn để ngăn chặn triệt để.
Thực tế ngay sau khi vụ việc xảy ra, mà đỉnh điểm là các vụ việc cuối tháng 12-2023, chính quyền tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo lập ban chuyên án để điều tra, xử lý.
Ngành chức năng Cà Mau cũng xác định có phát sinh thỏa thuận giữa nhóm tàu lưới kéo với nhóm ốc bẫy mực, dẫn đến chiếm ngư trường trái phép.
Để tranh giành ngư trường, nhiều nhóm sẵn sàng dùng hung khí, bom xăng, súng tự chế để tấn công các tàu bè khai thác trên biển.
Thậm chí một số người còn đốt tàu của ngư dân, hăm dọa người nhà của các ngư dân, làm cho nhiều ngư dân và chủ tàu cá hoang mang không dám ra khơi đánh bắt. Tỉnh này cũng đã chỉ đạo lực lượng biên phòng, kiểm ngư tăng cường các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển và đến nay đã khởi tố được một vụ án hình sự với sáu người.
Báo chí và người dân phản ánh đây không phải là các vụ mới xảy ra lần đầu mà từ các năm 2015 - 2016 tại vùng biển hai huyện U Minh - Trần Văn Thời (Cà Mau) đã từng xuất hiện các "ông trùm" xí phần vùng biển lập ra các nhóm và "làm ăn" với "thổ địa" bảo kê, sẵn sàng đâm va và tấn công khi tàu thuyền nơi khác đến.
Bức xúc, các ngư dân đã phản ảnh tình trạng này với cơ quan chức năng, địa phương cũng cử đoàn xác minh nhưng chỉ dừng lại ở việc nghe khai báo rồi làm báo cáo về trên mà chưa hề xử lý khởi tố vụ nào để răn đe.
Tình hình nghiêm trọng nay lại tái diễn. Rõ ràng không thể viện lý do khách quan lực lượng chấp pháp trên biển mỏng, việc điều tra gặp khó khăn vì gốc rễ tạo ra các vụ việc xung đột vừa qua được nhận diện là do tranh chấp ngư trường giữa một bên là các tàu ngư dân làm nghề lưới kéo và bên kia tàu ngư dân làm nghề ốc mực nhưng chưa được tập trung ngăn chặn triệt để.
Do vậy, hơn lúc nào hết, trước mắt chính quyền Cà Mau cần vào cuộc chỉ đạo đẩy nhanh quá trình điều tra, xử lý nghiêm những tay côn đồ trên biển để kịp thời răn đe, chấm dứt các hành vi vi phạm.
Tiếp đến là vào cuộc xử lý mạnh tay các tàu lưới kéo hoạt động sai vùng khai thác thông qua hệ thống định vị.
Đặc biệt phải tăng cường tuyên truyền giáo dục ngư dân nâng cao nhận thức, thực thi nghiêm quy định vùng khai thác, tuyên truyền ngư dân chấp hành, không vi phạm; hướng dẫn ngư dân khai thác theo tổ đội để kịp thời hỗ trợ nhau, mạnh dạn tố giác tội phạm.
Ngư trường rộng bao la, dù có nhiều lực lượng chức năng tuần tra, giám sát trên biển thì cũng chỉ giải quyết nhất thời, tình trạng tranh giành ngư trường chỉ tạm lắng.
Ai dám đảm bảo rằng sau khi lực lượng chức năng hết đợt cao điểm thì nạn tranh chấp ngư trường không còn tiếp diễn?
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tỉnh Cà Mau khẩn trương điều tra và triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý việc tranh chấp ngư trường trên vùng biển của tỉnh.