Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết, sự bảo vệ kém đối với các cổ đông thiểu số và mức thuế cao, chẳng hạn như thuế thừa kế có thể lên tới 60% đối với người nắm giữ các công ty niêm yết là hai nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng chiết khấu của thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Và cơ quan quản lý tài chính hàng đầu của nước này cho biết, các quan chức đang tìm cách đẩy giá những cổ phiếu đang giao dịch dưới giá trị sổ sách.
“Để giải quyết cơ bản vấn đề “Chiết khấu của Hàn Quốc”, chúng ta cần chia sẻ hiểu biết rằng việc đánh thuế quá cao sẽ làm suy yếu thị trường chứng khoán và gây thiệt hại cho tầng lớp trung lưu và người dân bình thường… Chúng ta cần những cải cách thuế táo bạo”, Tổng thống Yoon Suk Yeol nói.
Các công ty niêm yết ở Hàn Quốc liên tục giao dịch ở mức giá thấp hơn so với các công ty cùng ngành ở nước ngoài. Chỉ số Kospi giao dịch ở mức 0,89 lần giá trị sổ sách trong khi chỉ số chứng khoán Đài Loan và Nhật Bản, cả hai đều giao dịch trên 1.
Các nhà đầu tư đã chỉ ra nguyên nhân chính là quản trị doanh nghiệp kém, ủng hộ lợi ích của cổ đông kiểm soát gây bất lợi cho cổ đông thiểu số. Thuế thừa kế khổng lồ, vốn thúc đẩy các cổ đông nắm quyền kiểm soát giữ giá cổ phiếu ở mức thấp một cách giả tạo, cũng được cho là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu giảm.
Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC) Kim Joo-hyun cho biết, Hàn Quốc đang xem xét các biện pháp khuyến khích các công ty Hàn Quốc đang giao dịch dưới giá trị sổ sách để đưa ra các biện pháp tự nguyện nhằm tăng giá cổ phiếu.
Nhật Bản - thị trường chứng khoán đang phục hồi lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ - gần đây đã đạt được một số thành công với ý tưởng tương tự. Sàn giao dịch chứng khoán năm ngoái đã kêu gọi các công ty niêm yết nỗ lực nâng cao định giá. Các nhà đầu tư cho rằng động thái này đã thúc đẩy một số công ty sử dụng tiền mặt của họ một cách tích cực hơn, bằng cách tăng cường mua lại cổ phiếu, phát hành cổ tức và thực hiện mua bán và sáp nhập.
Hôm thứ Hai (15/1) vừa qua, Sở giao dịch chứng khoán Tokyo đã công bố danh sách các công ty đã tuân thủ yêu cầu tự nguyện đưa ra kế hoạch cải thiện hiệu quả sử dụng vốn, đây là động thái được cho là nhằm tạo áp lực đối với các công ty không muốn thay đổi.