"Lãi suất đã hạ nhưng nhu cầu vay vốn chưa tăng lên vì doanh nghiệp không bán được hàng hóa nên chưa thể mở rộng sản xuất", ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP HCM, cho biết tại "Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng TP HCM năm 2024" do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM tổ chức sáng 18/1.
Ngoài ra, theo ông, một số doanh nghiệp nhập khẩu còn vướng mắc với gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% do tâm lý ngại bị điều tra về sau nếu có sai sót, trong khi ngân hàng cũng thấy rủi ro cao. "Việc triển khai chính sách này chưa hiệu quả", ông nói.
Ông Hà Văn Trung, Phó tổng giám đốc Sacombank cũng nhận định hiện khả năng hấp thụ vốn nền kinh tế khá thấp. "Theo thông lệ, những tháng đầu năm, tháng Tết thì hấp thụ vốn tốt nhưng hiện vẫn chậm", ông Trung cho biết.
Tình hình này phù hợp với kết quả khảo sát dự báo tình hình kinh doanh quý I/2024 gần đây của Cục Thống kê TP HCM. Theo đó, 21,9% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 43,5% giữ ổn định và 34,6% khó khăn hơn.
Dự báo năm 2024 còn thách thức, ông Trần Văn Hướng, Giám đốc Khu vực TPHCM Ngân hàng HDBank cho rằng ngoài nỗ lực của ngành ngân hàng thì các bộ, ngành, địa phương cần cùng phối hợp tháo gỡ các vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi triển khai các dự án, phương án đầu tư, thúc đẩy tiến độ miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp.
Ông Mai Phạm Tuấn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Indovina đề xuất Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xem xét gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, sẽ hết hạn vào 30/6 tới.
Ngoài nhu cầu vay còn thấp, ông Nguyễn Đình Tuệ cho biết còn tình trạng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) kêu thiếu vốn nhưng kết nối với ngân hàng khó. "Nhược điểm của họ là tài chính chưa lành mạnh, hạch toán chưa minh bạch và đặc biệt là khó khăn trong tài sản thế chấp nên việc tiếp vốn còn hạn chế", ông Tuệ nói.
Ông Mai Phạm Tuấn của Indovina khuyến nghị SME thuê công ty tư vấn, kế toán để lành mạnh hóa tài chính. Ngân hàng phải đảm bảo nguồn vốn hoạt động an toàn, hiệu quả. Vì vậy, doanh nghiệp đảm bảo tài chính rõ ràng sẽ giúp ngân hàng ra quyết định nhanh chóng hơn", ông Tuấn cho biết.
Năm 2023, lãi suất đã giảm khoảng 2% so với một năm trước đó. Ngân hàng Nhà nước cho hay mặt bằng lãi suất đã giảm về thấp hơn mức trước 2020 - thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Tại TP HCM, các tổ chức tín dụng đã nhiều lần đồng thuận giảm mặt bằng lãi suất 0,5-2% đối với các khoản vay hiện hữu và tiếp tục giảm lãi với các khoản vay mới.
Nhưng đến thời điểm kết thúc năm ngoái, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn chỉ 9,77% so với cuối 2022. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá mức tăng này có thấp hơn các năm trước đó nhưng phù hợp với tình hình kinh tế tại địa phương. Điểm sáng là cơ cấu giải ngân phù hợp với các ngành trọng điểm, định hướng phát triển.
Năm nay, ông Dũng đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục hợp tác với Sở Công Thương TP HCM và các bên liên quan triển khai chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, tăng đối thoại để kịp thời gỡ khó khăn chính sách.
Để tăng tổng cầu cho kinh tế Thành phố, ông Dũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước quan tâm chính sách điều hành tỷ giá phù hợp, linh hoạt để hỗ trợ xuất khẩu. Với tiêu dùng nội địa, cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách thuận lợi cho vay tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh tín dụng đen bùng phát thời gian qua. "Vay tiêu dùng là nhu cầu có thực và rất lớn nên cần có chính sách phù hợp hơn để người dân tiếp cận có trách nhiệm", ông Dũng đánh giá.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM đánh giá chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả thời gian qua. Năm 2024, ngành ngân hàng sẽ cùng Thành phố triển khai Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù, đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, hướng nguồn vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên đã được xác định là động lực tăng trưởng của đầu tàu kinh tế đất nước.
Viễn Thông