Luật Đất đai sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều, dày hơn 200 trang. Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), luật đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18 của T.Ư Đảng khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Tại cuộc họp báo thông tin kết quả kỳ họp bất thường thứ 5 diễn ra ngay sau phiên bế mạc, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế QH (cơ quan thẩm tra dự án luật), cho biết luật Đất đai sửa đổi vừa được thông qua có hàng trăm chính sách mới, nhằm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực đất đai.
Cụ thể là các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người sử dụng đất (SDĐ) thể hiện qua việc mở rộng quyền SDĐ, tiếp cận đất đai của công dân VN, chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số. Cạnh đó là các quy định liên quan tới tiếp cận đất đai của người dân, doanh nghiệp. Cũng theo đại diện cơ quan thẩm tra, luật Đất đai sửa đổi có nhiều quy định nhằm nâng cao hiệu quả SDĐ; quy định tách bạch, rõ ràng và ổn định về tài chính đất đai; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai…
32 trường hợp thu hồi đất
Liên quan tới thu hồi đất, ngoài việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, luật Đất đai sửa đổi tiếp tục quy định Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện dự án phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng. Luật cũng quy định cụ thể 32 trường hợp Nhà nước sẽ thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng, gồm: xây dựng công trình giao thông; thủy lợi; cấp, thoát nước; xử lý chất thải; năng lượng, chiếu sáng công cộng; dầu khí; hạ tầng bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin; chợ dân sinh, đầu mối; công trình tôn giáo; khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng; trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước…
Đối với thu hồi đất cho nhà ở thương mại, luật Đất đai sửa đổi quy định sẽ thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị; dự án khu dân cư nông thôn. Ngoài 31 trường hợp được liệt kê cụ thể, luật Đất đai sửa đổi quy định trường hợp thứ 32 khi có dự án không thuộc trường hợp đã liệt kê thì QH sửa đổi, bổ sung trường hợp thu hồi đất theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Luật Đất đai sửa đổi cũng quy định việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất. Cạnh đó, luật cũng quy định việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng. Trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường.
Trường hợp người có đất thu hồi được bồi thường bằng đất, bằng nhà ở mà có nhu cầu được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền. Đối với người có đất thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc nhà ở.
Luật cũng quy định, Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản để tạo điều kiện cho người dân có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất. Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; đồng thời phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi. Khu tái định cư có thể bố trí cho một hoặc nhiều dự án.
Bảng giá đất mới áp dụng từ 1.1.2026
Liên quan tới giá đất, luật Đất đai sửa đổi quy định: phương pháp định giá đất phải theo nguyên tắc thị trường, đồng thời đảm bảo trung thực, khách quan, công khai, minh bạch cũng như tính độc lập giữa tổ chức, cơ quan trong định giá đất. Việc định giá đất cũng phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Luật cũng quy định thông tin đầu vào để xác định giá đất bao gồm: giá đất được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, cơ sở dữ liệu quốc gia về giá; giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng; giá đất trúng đấu giá đất và thông tin về doanh thu, chi phí, thu nhập từ việc sử dụng đất. Thông tin đầu vào được sử dụng là thông tin được hình thành trong thời gian 24 tháng từ thời điểm xác định giá đất trở về trước; ưu tiên sử dụng thông tin gần nhất với thời điểm định giá.
Luật Đất đai sửa đổi quy định cụ thể 4 phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng, gồm: phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư và phương pháp hệ số điều chỉnh. Cả 4 phương pháp này được sử dụng để xác định giá đất cụ thể và xây dựng bảng giá đất hằng năm do HĐND tỉnh công bố.
Riêng với bảng giá đất hằng năm, luật Đất đai sửa đổi quy định rõ, được xây dựng theo khu vực, vị trí. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn. UBND cấp tỉnh sẽ xây dựng, trình HĐND quyết định bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ 1.1.2026. Hằng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1.1 của năm tiếp theo. Trường hợp bảng giá đất cần thiết phải điều chỉnh trong năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND quyết định.
Bảng giá đất hằng năm sẽ được dùng để tính tiền SDĐ khi Nhà nước công nhận quyền SDĐ hoặc cho thuê đất thu tiền hằng năm; tính thuế SDĐ; tính thuế thu nhập khi chuyển quyền SDĐ… Đối với giá đất cụ thể sẽ áp dụng để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất hay tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê…
Nhanh chóng đưa luật Đất đai vào cuộc sống
Sáng 18.1, phát biểu bế mạc kỳ họp bất thường thứ 5, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết, với việc thông qua luật Đất đai sửa đổi, QH đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ QH khóa XV. Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ bố trí nguồn lực, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống.
Theo đó, Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Cạnh đó, Chính phủ tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu và kết nối liên thông.
Chủ tịch QH cũng đề nghị Chính phủ giải quyết hiệu quả trên thực tế những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và SDĐ, thị trường quyền SDĐ và thị trường bất động sản nói chung.
Nhấn mạnh năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Chủ tịch QH đề nghị QH tiếp tục phát huy tinh thần "lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển", để cùng Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
"Đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt sâu sắc, triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các nghị quyết của T.Ư Đảng, QH và các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 01 và 02 ngày 5.1 của Chính phủ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới, không để xảy ra tình trạng "đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng"; theo dõi sát diễn biến, dự báo tình hình trong nước và thế giới, có giải pháp, chính sách phù hợp, khả thi", Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Cấp sổ đỏ cho đất không giấy tờ trước 2014
Luật Đất đai sửa đổi cũng bổ sung quy định, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 15.10.1993 đến trước ngày 1.7.2014, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là không có tranh chấp, thì được cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Luật cũng quy định về việc xác định diện tích để cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ với các trường hợp như nêu trên trước ngày 18.12.1980 và từ 18.12.1980 đến trước ngày 15.10.1993.
Chỉ thỏa thuận làm nhà ở thương mại với đất ở
Luật Đất đai sửa đổi quy định chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền SDĐ đối với đất ở. Tuy nhiên, luật cũng quy định cho phép chủ đầu tư được sử dụng quyền SDĐ đang có để thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với đất ở hoặc đất ở và đất khác.
UBTVQH cũng đề nghị, nếu cần thiết, Chính phủ nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm trình cấp có thẩm quyền để trình QH xem xét ban hành nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền SDĐ hoặc đang có quyền SDĐ với loại đất khác (không phải đất ở).