Trong quyết định phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục TP.HCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045 do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký, công bố mới đây đã đặt ra mục tiêu cụ thể trên.
Tiến tới sĩ số mỗi lớp tối đa 35 học sinh
TP.HCM xây dựng xã hội học tập, khuyến khích, tạo điều kiện công bằng, thuận lợi để mọi người dân TP được học tập suốt đời; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và hội nhập quốc tế của TP.HCM.
Ngành giáo dục và đào tạo TP.HCM đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và của thế giới vào năm 2045.
Với mục tiêu tổng quát đó, TP.HCM đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, TP.HCM sẽ giảm tối thiểu bình quân 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
Đến năm 2030, TP.HCM đảm bảo 60% trường mầm non, 80% trường tiểu học, 70% trường THCS và 50% trường THPT công lập đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, sĩ số ở các bậc học từ 30 - 35 học sinh/lớp.
Thực hiện 8 nhiệm vụ và giải pháp
Đồng thời với mục tiêu, chiến lược phát triển giáo dục TP.HCM nói trên đã chỉ ra các nhiệm vụ và giải pháp để phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2030.
Thứ nhất là triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo động lực cho đổi mới và phát triển ngành giáo dục và đào tạo TP.
Thứ hai, thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục, ưu tiên đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh vùng xã đảo thuộc các huyện ngoại thành vùng khó khăn.
Thứ ba, phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người học.
Thành phố sẽ triển khai hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng hóa các mô hình đào tạo, chương trình giáo dục.
Thứ tư, TP.HCM tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục.
Thứ năm, TP.HCM thực hiện phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo yêu cầu về chất lượng.
Thứ sáu, TP.HCM đảm bảo nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục. Ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho giáo dục đào tạo đảm bảo tối thiểu là 20% ngân sách.
Thứ bảy, TP.HCM sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Thứ tám, giáo dục và đào tạo TP.HCM xác định tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động mở rộng hợp tác song phương và đa phương, thúc đẩy hợp tác với các nước có nền giáo dục chất lượng hàng đầu thế giới.
11 mục tiêu cụ thể cho ngành giáo dục đào tạo TP.HCM đến năm 2030:
1. Đảm bảo sĩ số ở các bậc học 30-35 học sinh/lớp.
2. Mỗi TP, quận huyện, TP Thủ Đức có ít nhất hai trường ở mỗi cấp học thực hiện chương trình chất lượng cao "Trường tiên tiến hội nhập quốc tế".
3. Xây dựng 4 trường phổ thông nhiều cấp học chất lượng cao tại TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi.
4. 100% trường tiểu học, 70% trường THCS, 80% trường THPT dạy học hai buổi/ngày.
5. Đạt 80% học sinh THPT có thể thông thạo giao tiếp, tiếp cận học tập bằng ngoại ngữ (tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ quốc gia, trình độ B1); 100% học sinh tốt nghiệp THPT có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản; 50% học sinh có trình độ tin học đạt chuẩn quốc tế.
6. Đạt 100% học sinh phổ thông biết chơi ít nhất một môn nghệ thuật, nhạc cụ và luyện tập ít nhất một môn thể thao.
7. Đạt 100% dữ liệu giáo dục kết nối với cơ sở dữ liệu TP và quốc gia.
8. 60% trường mầm non, 80% trường tiểu học, 70% trường THCS và 50% trường THPT công lập đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp đạt chuẩn quốc gia.
9. Đạt 100% trường học triển khai thực hiện Trường học hạnh phúc.
10. Đạt 100% trường học xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh gồm không gian vật thể và phi vật thể.
11. Giảm 10% biên chế sự nghiệp giáo dục hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025.
Bí thư Nguyễn Văn Nên khẳng định xây dựng TP.HCM thành trung tâm lớn về giáo dục đào tạo là một trong những định hướng của TP trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo theo nghị quyết 29.