Bộ Công Thương vừa giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu giá điện hai thành phần theo công suất và điện năng tiêu thụ để tiến tới thay thế cho việc áp dụng giá điện một thành phần (tiền điện trả theo điện năng tiêu thụ - PV) đang thực hiện.
Theo đó, EVN sẽ đánh giá tác động các nhóm khách hàng dùng điện trong trường hợp Việt Nam thí điểm áp giá điện này. Việc áp dụng này trên cơ sở tính toán, so sánh với cơ chế giá bậc thang cho khách dùng điện sinh hoạt và theo cấp điện áp với sản xuất, kinh doanh.
Bộ giao EVN nghiên cứu, đề xuất về cơ chế, lộ trình và đối tượng áp dụng giá điện hai thành phần để từ đó xem xét, trình Thủ tướng quyết định.
Lý giải về việc đề nghị EVN nghiên cứu biểu giá điện hai thành phần, Bộ Công Thương cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới đều áp dụng giá điện hai thành phần.
"Việc áp dụng giá điện hai thành phần sẽ đưa ra tín hiệu đúng cho cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện để nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ và sử dụng nguồn lực hợp lý" - Bộ Công Thương nêu quan điểm.
Việc áp dụng thêm giá công suất, bên cạnh việc tính lượng điện năng tiêu thụ, cũng sẽ góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả.
Từ đó nâng cao hệ số phụ tải điện và tiết kiệm được tiền điện, giúp giảm việc đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới điện.
Đặc biệt, với những khách hàng đăng ký công suất lớn hơn so với thực tế nhu cầu sử dụng, ngành điện sẽ thu hồi được cả chi phí đầu tư.
Do vậy, bộ đánh giá việc áp dụng giá điện hai thành phần sẽ đem lại lợi ích cho cả khách hàng, còn đảm bảo thu hồi được chi phí đầu tư của ngành điện.
Đặt trong bối cảnh các công ty điện lực đã áp dụng công tơ điện tử, đặc biệt là khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh, thì việc triển khai giá bán điện theo công suất và điện năng là cần thiết nhằm đảm bảo giá điện phản ánh đúng, đủ chi phí.
Cách tính này cũng giúp cân bằng biểu đồ phụ tải của hệ thống và giảm bớt nhu cầu đầu tư nguồn và lưới điện.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cho rằng nếu không tăng giá điện sẽ không giải quyết được lỗ lũy kế của EVN. Trong khi đó, miền Bắc vẫn có thể thiếu từ 1.200 - 1.500MW vào cuối tháng 5 đến tháng 7 năm nay.