Chiều 19/01/2024, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ Công an – Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phòng chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024 – 2030.
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng chủ trì buổi Lễ.
Thời gian qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta diễn biến rất phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, các đối tượng lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ để sản xuất rất nhiều loại ma túy thế hệ mới có độc tính cao, với hình thức bắt mắt thu hút sự tò mò, khám phá của giới trẻ.
|
Mặc dù các đơn vị chức năng đã nỗ lực ngăn chặn, nhưng tỷ lệ người sử dụng ma túy không giảm mà có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chính do nhận thức của người dân, nhất là giới trẻ về tác hại của ma túy chưa được đầy đủ. Công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy còn mang tính hình thức, dàn tràn, áp dụng cho nhiều đối tượng khác nhau, chưa có tính riêng biệt, chuyên sâu dành cho đối tượng có nguy cơ cao như thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.
Trước thực trạng trên, Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma tuý trong các cơ sở giáo dục, giai đoạn 2024-2030. Mục tiêu của chương trình nhằm xây dựng các chương trình cụ thể, chuyên biệt để triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn ma túy trong học đường, đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy vào các tiết học ở các cấp học; đồng thời có sự chỉ đạo, thực hiện thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương.
Tại buổi Lễ, trước sự chứng kiến của các đại biểu hai Bên, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc và Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật phòng chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024 – 2030.
Theo đó, hai Bên sẽ phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên. Xây dựng và hình thành kỹ năng phòng, chống, ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên. Đẩy mạnh các hoạt động tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy, thi sáng tác các tác phẩm, tiểu phẩm, thi văn nghệ chủ đề phòng, chống ma túy trong học sinh, sinh viên. Triển khai, nhân rộng các mô hình phòng, chống ma túy có hiệu quả.
Phối hợp đưa nội dung pháp luật về phòng, chống ma túy vào chương trình giáo dục chính khóa, ngoại khóa ở tất cả các cấp học. Xây dựng bộ tài liệu giáo dục kỹ năng phòng, chống ma túy phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý của học sinh, sinh viên của các cấp học. Tổ chức các hoạt động cao điểm phòng, chống ma tuý trong học sinh, sinh viên hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma tuý (Tháng 6), Ngày quốc tế và Ngày toàn dân phòng chống ma tuý 26/6 hàng năm. Tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ Đoàn, Đội các nội dung về phòng, chống ma túy, kỹ năng tuyên phòng, chống ma túy.
Cùng với đó, hai Bên sẽ phối hợp triển khai các phương án, kế hoạch phối hợp phòng, chống ma túy, bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực xung quanh trường học. Rà soát, phát hiện người nghiện là cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên để áp dụng các biện pháp cai nghiện…
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Bộ Công an) và Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) được giao nhiệm vụ là đơn vị đầu mối tham mưu triển khai thực hiện quy chế.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi Lễ. |
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Ngành giáo dục luôn nhận thức rằng, với số lượng học sinh, sinh viên, giáo viên chiếm khoảng 1/4 dân số cả nước. Việc làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật, đặc biệt là công tác phòng chống ma túy trong trường học sẽ không những tác động tích cực đến đội ngũ nhà giáo và học sinh sinh viên, mà còn có tính lan tỏa đến gia đình, bạn bè và người thân của các đối tượng này.
Đồng chí Thứ trưởng tin tưởng công tác phối hợp giữa ngành Giáo dục và ngành Công an ngày càng khăng khít, chặt chẽ hơn, góp phần thực hiện hiệu quả, thiết thực việc giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy, góp phần đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy trong HSSV. Ngành Giáo dục cam kết sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Giáo dục đào tạo và các cơ sở giáo dục trên toàn quốc phối hợp với Công an các tỉnh, thành phố thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp này tại tất cả các địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại buổi Lễ. |
Để công tác phối hợp đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị, ngay sau Lễ ký kết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên phối hợp hướng dẫn các đơn vị thuộc ngành dọc của Công an, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch và quy chế phối hợp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Lưu ý kế hoạch ở từng khu vực, từng địa phương phải căn cứ vào đặc điểm, tình hình của khu vực, địa phương đó để có thông tin, cách thức tuyên truyền cho phù hợp, linh hoạt, hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, hai Bên phải thường xuyên có sự phối hợp chặt chẽ trong trao đổi, chia sẻ thông tin, báo cáo, sơ kết, đánh giá kết quả Chương trình phối hợp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện tại các đơn vị, địa phương.