Ngân hàng Nhà nước vừa có các công văn gửi các Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Công an đề nghị phối hợp trong việc quản lý thị trường vàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường, phát hiện, xử lý và phối hợp cung cấp thông tin về các hành vi vi phạm kinh doanh vàng, đặc biệt là trong hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu và vàng miếng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Công an phối hợp hạn chế tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng giá vàng tăng cao để đầu cơ, trục lợi, nhập lậu vàng qua biên giới, gây xáo trộn thị trường.
"Đề nghị Bộ Công an tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan trong việc đấu tranh, điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật về kinh doanh vàng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao tại Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng", văn bản của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.
Ngân hàng Nhà nước đề nghị 3 Bộ phối hợp bình ổn thị trường vàng. Ảnh minh họa.
Đối với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Tài chính tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định đối với việc phát hành, sử dụng hóa đơn, chứng từ trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng.
"Đặc biệt là hóa đơn, chứng từ trong hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu và vàng miếng đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi phát hành, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp", Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Sửa đổi quy định quản lý vàng miếng
Trong mấy tháng trở lại đây, giá vàng trên thị trường thế giới tăng, khiến giá vàng miếng trong nước, chủ yếu là vàng có thương hiệu SJC tăng theo. Vấn đề bất thường là mức tăng của giá vàng miếng SJC có thời điểm lên tới 80 triệu đồng/lượng, kéo chênh lệch giá vàng miếng trong nước với giá vàng miếng thế giới có thời điểm lên tới gần 20 triệu đồng/lượng.
Thực tế này đặt ra vấn đề cần sớm có giải pháp quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới ở mức cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tháng 1/2024 sẽ báo cáo tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Hiện Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu vàng miếng. Việc vàng được nhập về hay không, nhiều hay ít, quyền quyết định thuộc về Ngân hàng Nhà nước.
Vàng miếng SJC cũng là thương hiệu vàng được Ngân hàng Nhà nước quản lý từ hơn 10 năm nay và Nghị định 24 là công cụ pháp lý để quản lý thị trường này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần có sự thay đổi.
Cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước.
Thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn thị trường vàng; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý, sử dụng các công cụ theo thẩm quyền. Dứt khoát không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỉ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
VTV.vn - Vàng nên được ứng xử như một loại hàng hóa cơ sở, tránh tình trạng giá có sự chênh lệch lớn giữa giá trong nước và thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!