Theo đó, ngành y tế Cà Mau hiện còn nợ tiền nợ tạm ứng, vay, mượn thuốc, vật tư y tế, hóa chất, trang thiết bị do điều kiện phòng, chống dịch cấp bách (từ 1.1.2020 - 31.12.2022) để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhưng chưa thanh toán được cho các đơn vị cung cấp, với tổng số tiền 114 tỉ đồng.
Cũng theo Sở Y tế Cà Mau, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tăng cường mở rộng các dịch vụ nhằm tăng nguồn thu cho đơn vị (xây dựng các đề án KCB theo yêu cầu và cho thuê tài sản công...), nhưng nguồn thu thực tế vẫn còn thấp, một số đơn vị không có nhà thầu tham gia đấu thầu. Nguyên nhân là số lượng dịch vụ thấp, xây dựng các đề án liên doanh, liên kết không thu hút được nhà đầu tư, khả năng thu hồi vốn chậm nên nguồn thu từ các dịch vụ này chủ yếu tập trung tại Bệnh viện đa khoa Cà Mau và Bệnh viện Sản nhi Cà Mau.
Qua rà soát và theo báo cáo của các cơ sở KCB, công tác quản lý, điều hành thu, chi tài chính tại một số đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, mức giá thu dịch vụ chưa tính đủ; vướng mắc thanh toán chi phí KCB bảo hiểm y tế (BHYT) còn tồn đọng các năm trước chậm thanh toán và năm 2023 chậm lên biên bản quyết toán kịp thời chi phí KCB BHYT các quý 1, 2, 3/2023, làm cho các đơn vị gặp khó khăn trong việc xác định nguồn và cân đối kinh phí hoạt động thường xuyên trong năm 2023. Các cơ sở KCB phải thắt chặt chi tiêu mới đảm bảo kinh phí chi trả lương, phụ cấp cho nhân viên.
Sở Y tế cho rằng, nguyên nhân các đơn vị gặp khó khăn và thiếu hụt nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên và làm ảnh hưởng đến lộ trình tăng mức độ tự chủ của các đơn vị có nhiều nguyên nhân. Cụ thể, lượng bệnh đến khám và điều trị tập trung nhiều tại các đơn vị tuyến đầu của tỉnh; các đơn vị KCB ở bệnh viện đa khoa huyện, trung tâm y tế huyện không nhiều nên nguồn thu về hoạt động dịch vụ KCB còn thấp.
Một nguyên nhân nữa là KCB BHYT được thông tuyến, người dân được quyền chọn lựa nơi KB ban đầu; cộng thêm nhiều cơ sở phòng khám tư nhân thành lập mới nên đã chia sẻ số lượng bệnh đến khám đối với các cơ sở công lập cùng tuyến.
Chi phí nghiệp vụ chuyên môn, tiền lương, phụ cấp... và hoạt động thường xuyên hằng năm khá cao, các đơn vị hết sức tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu nhưng nguồn tiết kiệm, dôi dư không nhiều, dẫn đến một số đơn vị không có nguồn để trích lập các quỹ và chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên.