Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội vừa có quyết định mở phiên tòa phúc thẩm xét kháng cáo kêu oan của ông Trần Hùng - cựu cục phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cựu tổ trưởng tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường.
Ông Trần Hùng kêu oan, 17 người xin giảm nhẹ
Ngoài ông Trần Hùng kêu oan, 17 người khác trong vụ án này cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hoặc xin được hưởng án treo.
Phiên tòa phúc thẩm dự kiến được mở vào ngày 22-1.
Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 7-2023, ông Trần Hùng bị Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên 9 năm tù về tội nhận hối lộ. Ông Hùng lãnh án cao thứ 2 trong 36 người bị xét xử, sau bà Cao Thị Minh Thuận (10 năm tù) - người bị xác định cầm đầu đường dây sách lậu.
Vụ án này được điều tra từ tháng 6-2021, khởi phát khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03) phát hiện đường dây sản xuất hàng triệu cuốn sách giả.
Hai tháng sau, ông Trần Hùng bị bắt về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đến tháng 11-2021, C03 thay đổi tội danh, điều tra cựu cục phó quản lý thị trường về tội nhận hối lộ.
Vụ án này đã nhiều lần bị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Trong bản cáo trạng và hồ sơ tài liệu được chuyển sang tòa án, cơ quan điều tra cùng viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm cáo buộc ông Trần Hùng tội nhận hối lộ.
Suốt quá trình xét xử sơ thẩm, ông Trần Hùng liên tục kêu oan, khẳng định "10 năm qua, không ai buôn bán hàng giả có thể mua chuộc được tôi".
Trong khi đó 35 người còn lại bị đưa ra xét xử cùng ông Trần Hùng đều nhận tội. Nguyễn Duy Hải (bị cáo buộc môi giới hối lộ) cũng thừa nhận giúp bà Cao Thị Minh Thuận đưa tiền cho ông Hùng.
Tòa sơ thẩm xác định lời khai của Hải phù hợp với lời khai của Thuận, của hai nhân chứng và những người liên quan khác.
Theo bản án sơ thẩm, vào tháng 7-2020, Đội quản lý thị trường số 17 phối hợp tổ 304 - nơi ông Trần Hùng làm tổ trưởng - kiểm tra công ty của bà Cao Thị Minh Thuận, thu giữ hơn 27.000 quyển sách giả.
Vì lo sợ bị xử lý hình sự nên bà Thuận tiếp tục liên hệ với Nguyễn Duy Hải đặt vấn đề chi 400 triệu đồng đưa cho ông Hùng để xin xử lý nhẹ vụ việc.
Hải đã cầm 300 triệu đồng đến phòng làm việc của ông Trần Hùng. Tại đây Hải đã gọi điện để ông Hùng nói chuyện với bà Thuận, hướng dẫn viết lại bản tường trình thay đổi lời khai nguồn gốc sách bị thu giữ.
Sau đó ông Hùng còn chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện giúp đỡ bà Thuận theo hướng xử lý hành chính vụ buôn sách lậu.
Tranh luận về chứng cứ buộc tội
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Hùng nhiều lần khẳng định khi Cao Thị Minh Thuận liên hệ xin xỏ thì "bị cáo ngay lập tức từ chối".
Còn khi Hải mang tiền đến phòng làm việc thì ông Hùng khẳng định đã "chỉ thẳng tay vào mặt Hải mắng luôn: Mày định hối lộ tao à, có muốn báo công an không. Thuận còn nhờ cả lãnh đạo Công an Hà Nội nhờ tao còn không ăn thua", lời khai của ông Hùng tại tòa.
Bào chữa cho ông Hùng, luật sư cho rằng viện kiểm sát chỉ dựa vào lời khai "nhiều mâu thuẫn" của Hải để buộc tội thân chủ, mà không đưa ra các chứng cứ vật chất khác là chưa thuyết phục.
Luật sư cũng đưa ra phân tích về thời điểm ông Hùng bị cáo buộc nhận tiền, khi đó cột sóng nhà mạng định vị cựu cục phó đang ở nhà riêng tại quận Ba Đình, nên "cùng thời gian mà quay lại cơ quan nhận tiền là không khả thi".
Đối đáp, đại diện viện kiểm sát khẳng định có đủ căn cứ kết luận ông Hùng nhận 300 triệu đồng thông qua Nguyễn Duy Hải, chứ không chỉ căn cứ vào duy nhất lời khai của bị cáo Hải.
Theo viện kiểm sát, chứng cứ có thể từ nhiều nguồn khác nhau, đó có thể là lời kể lại, lời khai, không nhất thiết phải có nhân chứng, vật chứng.
Đại diện viện kiểm sát khẳng định lời khai của Nguyễn Duy Hải về việc đưa tiền cho ông Trần Hùng đảm bảo logic, phù hợp với chứng cứ khác.
Bản án sơ thẩm cũng nhận định lời khai của Hải nhiều mâu thuẫn về thời điểm đưa tiền nhưng xuyên suốt quá trình điều tra, xét xử, Hải đều thừa nhận giúp Thuận đưa tiền cho ông Hùng. Hải khai cũng khớp với kết quả thực nghiệm điều tra cũng như sơ đồ hiện trường diễn ra việc đưa tiền do Hải vẽ lại.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) bị tuyên phạt 27 tháng tù về tội môi giới hối lộ.
Trong 31 bị cáo bị tuyên phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả, bà Cao Thị Minh Thuận - giám đốc Công ty Phú Hưng Phát - chịu mức án cao nhất 10 năm tù.
Nhóm còn lại bị tuyên phạt mức án thấp nhất là 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất 6 năm tù.
Đối với ba người là cựu cán bộ thuộc Đội quản lý thị trường số 17 (Hà Nội) lãnh mức án thấp nhất là 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất là 30 tháng tù cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Để chứng minh các cuộc điện thoại liên hệ giữa người môi giới hối lộ với cựu cục phó Cục Quản lý thị trường Trần Hùng để đưa 300 triệu đồng hối lộ, tòa đã mời đại diện nhà mạng MobiFone đến phiên xử.