9h sáng, phố cổ Hội An bắt đầu đông dần. Sau bữa sáng, khách từ các khu lưu trú đón xe điện rồi xuống các ngõ vào để đến các điểm tham quan nhưng ngay lập tức bị hàng rong ngáng đường.
Đeo bám, quyết không buông tha
Một cặp du khách người Hàn Quốc đang tản bộ, trò chuyện thì bỗng từ đâu trong hẻm một nam thanh niên xuất hiện. Người này một tay xách chiếc túi đựng đầy những xấp sách vuông, kích cỡ bằng bàn tay chĩa thẳng vào mặt hai du khách.
Lúc đầu hai người nhã nhặn giơ tay từ chối. Nhưng người bán hàng rong vẫn bám theo từng bước để nài nỉ. Thấy quá phiền, hai vị khách rẽ qua một hướng khác nhưng vẫn tiếp tục bị đeo bám.
Tại khu vực bao quanh Chùa Cầu có ít nhất 8 người bán hàng rong.
Nhóm này chia từng vị trí, mặt trùm kín khẩu trang, mắt đảo quanh tìm khách, vừa canh phòng lực lượng chức năng.
Cách thức quen thuộc nhất là đứng ngang trước mặt để chắn lối đi, tay không ngớt chìa hàng sát mặt du khách. Do bị đeo bám lì lợm nên nhiều người buộc phải móc tiền ra mua cho yên.
Xử liên tục nhưng vẫn không xuể
Có mặt ở Hội An những ngày cao điểm trong Tết Dương lịch có thể thấy lực lượng hàng rong dày đặc, đứng ở khắp mọi nơi trong phố đi bộ Hội An.
Tại trục đường từ Trung tâm Văn hóa Thể thao, truyền thanh truyền hình Hội An dẫn vào Chùa Cầu có rất nhiều người bán đồ chơi trẻ em.
Họ đảo quanh các trục đường, khi thấy du khách có dẫn trẻ em đi theo thì bám đuôi, chặn ngang trước mặt rồi thả đồ chơi ra trước lối đi để dụ dỗ trẻ con. Mỗi món đồ chơi nhựa bên ngoài giá chỉ vài chục ngàn đồng, họ bán tới cả trăm ngàn đồng. Khách từ chối thì họ đeo bám, nài nỉ.
Chủ tịch UBND phường Minh An Võ Đăng Phong bày tỏ ngán ngẩm với đội ngũ hàng rong đang "bắt không xuể" ở phố cổ.
Ông Phong cho biết từ khi du lịch quay lại tấp nập tới nay, hàng rong tràn vào từ mọi nơi. Nhiều người lấy lý do cuộc sống khó khăn do dịch nên phải đi bán hàng kiếm sống qua ngày, nhưng thực tế không phải.
Ông Phong yêu cầu cán bộ mở kho tang vật mà phường đã thu từ hàng rong gần đây để minh chứng nỗ lực của lực lượng chức năng.
Một dãy nhà xe bỏ trống phía sau tòa nhà cũ chất la liệt xe đạp, quang gánh, xe đẩy, quần áo, bảng hiệu quảng cáo...
"Hàng rong gây phiền toái, tạo ra hình ảnh xấu xí ở phố đi bộ. Anh em tuần tra, xử lý liên tục nhưng tới nay vẫn không hết. Cứ tịch thu xe đạp, quang gánh, đồ đạc thì ngày mai họ lại sắm mới để vào bán. Lợi nhuận thu được lớn hơn số tiền bỏ ra mua sắm đồ đạc" - ông Phong nói.
Chỉ có 52 điểm bán hàng rong được cấp phép
Ông Nguyễn Văn Vinh - đội trưởng Đội Trật tự đô thị phường Minh An - cho biết do lợi nhuận lớn nên những người bán hàng rong bất chấp truy đuổi, xử lý từ lực lượng chức năng để hoạt động, gây nên hình ảnh xấu xí trong phố cổ.
Cán bộ đô thị cảnh giới chỗ này thì hàng rong lại tràn qua điểm khác, việc mua bán chỉ diễn ra trong vài chục giây nên nếu lực lượng chức năng không bắt được quả tang thì không thể xử lý được.
"Hiện nay chỉ có khoảng 52 quầy bán đồ lưu niệm nằm rải rác ở quanh phố đi bộ được thành phố cho phép. Tất cả hàng rong trong phố cổ mà du khách bị làm phiền đều là tự phát, không được cho phép hoạt động" - ông Vinh nói.
Chửi bới ầm ĩ người ghi hình hàng rong
Để ghi nhận cảnh lộn xộn trong phố cổ, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã vào các điểm ghi hình thì liên tục bị những người bán hàng rong quây lại chửi bới ầm ĩ.
"Quay rồi mang về chưng lên bàn thờ nhà mày đi" - một thanh niên chửi bới khiến du khách phải lắc đầu tại phố đi bộ sáng 19-1.
Nhiều người dân ở Hội An cũng nói rằng những người bán hàng rong lén lút đều rất hung hãn, luôn lớn tiếng chửi bới nếu bị ghi hình để phản ánh tới cơ quan chức năng.
Linh hồn Hội An được hình thành và chắt lọc từ sự va chạm, gặp gỡ, trao đổi giữa khách với cư dân sống trong quần thể di tích.