Ngày 20-1, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Trung Quốc chiếm đoạt Hoàng Sa năm 1974, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ:
"Như đã nhiều lần nêu rõ, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa được xác lập ít nhất từ thế kỷ XVII, phù hợp với luật pháp quốc tế và được các nhà nước kế tiếp nhau của Việt Nam thực hiện một cách hòa bình, liên tục, công khai.
Mọi hành động sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trong quan hệ giữa các quốc gia là hoàn toàn đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, không thể tạo ra danh nghĩa chủ quyền, cũng như không thể làm thay đổi sự thật chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam".
Quần đảo Hoàng Sa là một nhóm gồm hơn 30 đảo, rạn san hô, cồn cát và bãi đá ngầm ở Biển Đông.
Từ thế kỷ XVII, đã có những đội ngư binh Hoàng Sa do các chúa Nguyễn tổ chức ra khai thác, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, quần đảo Hoàng Sa vẫn là ngư trường truyền thống và đặt dưới sự quản lý của các chính quyền ở Việt Nam.
Tuy nhiên, vào ngày 19-1-1974, Trung Quốc đã ngang nhiên sử dụng vũ lực để chiếm đoạt quần đảo này. Chính quyền Trung Quốc cũng xây dựng và cải tạo trái phép các thực thể bị chiếm đóng ở Hoàng Sa, dù có sự phản đối của quốc tế và Việt Nam.
Bất chấp các động thái của Trung Quốc, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhấn mạnh sự phù hợp với luật pháp quốc tế.
Câu trả lời của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 20-1 một lần nữa nhấn mạnh chân lý, lẽ phải và cơ sở pháp lý đối với chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam, bất chấp sự việc có lùi xa bao nhiêu năm.
Mỗi năm cứ đến ngày 19-1, UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) đều gặp gỡ các nhân chứng lịch sử chủ quyền quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đảo xa ngoài khơi như thật gần Tổ quốc trong nỗi niềm vọng nhớ không nguôi.