Ngày 20-1, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu đã phối hợp khoa phẫu thuật lồng ngực - mạch máu (Bệnh viện Bạch Mai) tổ chức diễn đàn về điều trị, phẫu thuật ung thư vú.
Ai có khả năng mắc ung thư vú cao?
Tại diễn đàn, bác sĩ Vũ Anh Tuấn - khoa phẫu thuật lồng ngực - mạch máu (Bệnh viện Bạch Mai) - cho biết ung thư vú là bệnh có tỉ lệ mắc cao, đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư ở nữ.
Theo số liệu gần nhất tại Việt Nam, số ca mới mắc ung tư vú là 15.229 ca/năm, tử vong do ung thư vú là 6.103 trường hợp/năm.
Tuy nhiên theo bác sĩ Tuấn, đây là bệnh dễ chẩn đoán, có thể sàng lọc, phát hiện sớm.
"Nếu phát hiện sớm sẽ điều trị hiệu quả bằng các phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, nội tiết, điều trị đích, miễn dịch" - ông nói.
Bác sĩ Vũ Anh Tuấn cũng cho biết nếu gia đình có mẹ, con gái, chị, em gái bị ung thư vú thì nguy cơ những người còn lại cũng có khả năng mắc ung thư vú cao.
"Ngoài ra còn có thể do đột biến gene BRCA1, BRCA2, hoặc phụ nữ tuổi cao trên 40; phụ nữ có tiền sử chiếu xạ vùng ngực; có kinh sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi). Phụ nữ mang thai muộn trên 30 tuổi, không mang thai, không cho con bú, béo phì, hút thuốc lá... cũng là những trường hợp dễ mắc ung thư vú" - bác sĩ Tuấn nói thêm.
Về triệu chứng, bệnh nhân sẽ xuất hiện khối u ở vú, gần xung quanh vú hoặc dưới nách; dịch từ núm vú, đặc biệt dịch có máu; vết lõm da vú hoặc dày da vú; đau nhức vùng vú hoặc núm vú; biểu hiện tụt núm vú...
Để sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vú, ông Tuấn cho biết nếu có biểu hiện bất thường trên, bệnh nhân có thể tự kiểm tra. Sau đó, bệnh nhân có thể đến các cơ sở y tế để được khám lâm sàng, siêu âm, chụp X-quang tuyến vú. Đồng thời, các bác sĩ sẽ xét nghiệm tế bào học, mô bệnh học nếu nghi ngờ.
Bệnh nhân ung thư vú ngày càng trẻ hóa
Bác sĩ Nguyễn Quang Hùng - phó giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) - cho biết ung thư vú luôn là một chủ đề rất "hot" và luôn nóng bởi được rất nhiều người quan tâm.
Theo ông, điều trị ung thư vú là điều trị đa mô thức, bệnh nhân không chỉ là điều trị ung thư để duy trì sự sống mà còn phải tạo hình để tăng chất lượng sống, sự tự tin cho bệnh nhân.
"Vú không thể nào khiếm khuyết được, vậy việc tạo hình để người phụ nữ tự tin trong cuộc sống. Khi tự tin họ sẽ thành công trong tất cả các lĩnh vực. Ung thư vú ngày càng trẻ hóa, liên quan tới rất nhiều vấn đề, thứ nhất là nội tiết. Việc áp lực công việc, áp lực xã hội làm cho rối loạn nội tiết, dẫn tới hậu quả là ung thư liên quan tới nội tiết và trẻ hóa ngày càng cao.
Tỉ lệ trẻ hóa ngày càng cao như vậy thì nhu cầu của người bệnh để điều trị ung thư vú cũng tăng lên" - ông Hùng cảnh báo.
Theo bác sĩ Hùng, trước đây ung thư vú thường gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi, nay bệnh cũng ghi nhận nhiều trong nhóm dưới 40, dưới 30 và thậm chí cả dưới 20, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu đã có bệnh nhân ung thư vú 18 tuổi đến điều trị.
Nhưng nếu được phát hiện và điều trị sớm, nhiều bệnh nhân ung thư vú đã sống 10-20 năm kể từ khi phát hiện bệnh và hiện rất khỏe mạnh.
Thuốc ức chế CDK 4/6 đã được đưa vào sử dụng tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM hơn 2 năm nay (từ 3-2021) nhưng mới có 172 bệnh nhân ung thư vú được sử dụng loại thuốc mới này.