HĐXX xác định, cáo trạng của VKSND tỉnh Đăk Lăk truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội. Lời khai nhận tội của các bị cáo phù hợp với các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án.
Nghiêm minh nhưng cần thể hiện tính nhân văn của luật pháp
Tòa tuyên 53 người phạm tội "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân" theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật Hình sự. Trong đó, hành vi của H Wuêñ Êban và Y Sôl Niê là đặc biệt nguy hiểm, có vai trò cầm đầu, lôi kéo các bị cáo khác gây án kinh hoàng, để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng... Sau khi cân nhắc tính chất, mức độ phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt H Wuêñ Êban và Y Sôl Niê mức án chung thân. Trước đó, cả hai bị VKS đề nghị mức án tử hình.
8 bị cáo khác trong vai trò đồng phạm giúp sức tích cực, gồm: Y Thô Ayũn, Y Chanh Niê, Y Jũ Niê, Y Tim Niê, Y Chun Niê, Y Not Siu, Nay Yên, Y Giốp Mlô cùng bị tuyên phạt án chung thân. 43 bị cáo còn lại cùng tội danh, bị phạt từ 6-20 năm tù giam.
Đối với nhóm tội phạm "Khủng bố", 45 bị cáo (trong đó có 6 bị cáo đang trốn truy nã ở nước ngoài, gồm: Y Mút Mlô, Y Quynh Bdap, Y Bút Êban, Y Niê Êya, Y Ciu Niê, Y Chanh Byă) bị phạt từ 3 năm 6 tháng đến 11 năm tù giam.
Bị cáo Lê Văn Nghĩa án phạt 2 năm tù về tội "Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép". Bị cáo Y Čing Byă 9 tháng tù về tội "Che giấu tội phạm".
HĐXX cũng tuyên 92 bị cáo trong vụ án phải có trách nhiệm bồi thường dân sự đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về vật chất, tinh thần.
Các mức án HĐXX tuyên phạt được cho là nhân đạo, nhân văn với các bị cáo. Trao đổi bên ngoài hành lang phiên toà, vị Chủ toạ cho biết, hầu hết các bị cáo đều là người đồng bào dân tộc thiểu số; hiểu biết, ý thức pháp luật còn hạn chế, thành khẩn khai báo, hợp tác với các cơ quan chức năng ngay từ những ngày đầu, giúp các cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ vụ án, phân loại đối tượng phạm tội, để xử lý đúng người đúng tội. Khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với các bị cáo, HĐXX quyết định tuyên các mức án trên là phù hợp với tính nhân văn, nhân đạo của luật pháp.
Tội ác và sự trừng phạt bằng bản án lương tâm!
Theo cáo trạng, từ năm 2015, Y Mut Mlô (một trong những người đang trốn truy nã) cầm đầu tổ chức Nhóm hỗ trợ người Thượng tại Mỹ (MSGI) đã lôi kéo bị cáo H Wuêñ Êban (Amí Sân, SN 1976) tham gia các hoạt động vũ trang, giết người, phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong nhân dân; gây mất ANTT tại tỉnh Đăk Lăk, nếu thành công sẽ tiếp tục mở rộng sang các tỉnh khác.
H Wuêñ Êban tham gia tổ chức MSGI với mục đích tìm kiếm sự hỗ trợ về vật chất. Bà này sau đó được MSGI thông qua bị cáo Y Sôl Niê, nhiều lần gửi tiền về để tuyển mộ, lôi kéo, tập hợp người dân tộc thiểu số nhẹ dạ, cả tin trong các buôn làng ở Đăk Lăk thành lập nhóm vũ trang lấy tên "Lính Đêga"; vận động đóng góp tiền mua sắm vũ khí, tổ chức tập luyện võ thuật để chuẩn bị khủng bố, phá hoại. Bên cạnh đó, H Wuêñ Êban cùng các đối tượng cốt cán (Y Thô Ayŭn, Y Tim Niê...) dụ dỗ, đe dọa, cưỡng ép nhiều người khác tham gia nhóm "Lính Đêga".
Đầu năm 2023, H Wuêñ Êban xin MSGI cho nhóm "Lính Đêga" thực hiện kế hoạch tấn công vũ trang, cướp vũ khí, phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, giết cán bộ và người dân nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng.
Y Sôl Niê xin về Việt Nam, cùng H Wuêñ Êban trực tiếp chỉ đạo kế hoạch khủng bố. Hai bị cáo này và các thành viên cốt cán như: Y Jǔ Niê, Y Tim Niê, Y Chun Niê, Y Wôl Arul... tập trung lực lượng tại chòi rẫy (thuộc buôn Jung A, xã Ea Ktur, H.Cư Kuin) bàn bạc chọn trụ sở cơ quan Nhà nước để tấn công vũ trang, lật đổ chính quyền, tiến tới thành lập "Nhà nước Đêga tại Tây Nguyên".
Hai đối tượng cầm đầu thống nhất chọn trụ sở xã Ea Ktur và Ea Tiêu là mục tiêu tấn công với chỉ đạo "phải đốt sạch, phá sạch, giết sạch" những người có mặt và cướp lấy vũ khí, tiếp tục mở rộng tấn công những trụ sở chính quyền khác, sau khi hoàn thành phải cắm cờ "Nhà nước Đêga" và quay phim, đăng lên mạng để tạo sự chú ý, gây tiếng vang cho tổ chức.
Tối 10/6/2023, họ tập trung tại chòi rẫy để phân phát vũ khí, điểm danh, quay phim, chụp ảnh và chia thành 2 nhóm. Nhóm một, do Y Jǔ Niê và Y Thô Ayǔn chỉ huy cùng 33 người đi bộ đến tấn công trụ sở xã Ea Ktur. Nhóm hai, do Y Tim Niê chỉ huy cùng 34 người đi bằng môtô đến tấn công trụ sở xã Ea Tiêu.
Đêm 10/6/2023, rạng sáng 11/6/2023, tại trụ sở UBND xã Ea Ktur, chúng đã thực hiện hành vi phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giết chết 2 cán bộ Công an xã (Đại úy Nguyễn Đăng Nhân và Thiếu tá Hoàng Trung), làm 2 cán bộ Công an xã bị thương nặng (Thượng úy Đàm Đình Bốp và Đại úy Lê Kiên Cường).
Tại trụ sở UBND xã Ea Tiêu, nhóm khủng bố đã thực hiện hành vi phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giết 2 cán bộ Công an xã (Đại úy Hà Tuấn Anh và Thiếu tá Trần Quốc Thắng). Trên đường rút chạy, chúng tiếp tục thực hiện hành vi phá hủy tài sản của người dân; uy hiếp 3 người dân làm con tin; giết 2 cán bộ (Nguyễn Văn Kiên - Bí thư Đảng ủy xã Ea Ktur và Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu) cùng 3 người dân (các ông Hoàng Minh Khánh, Lê Xuân Hoàng, Lê Minh Vương).
Khai nhận tại phiên toà, các bị cáo thừa nhận do thiếu hiểu biết nên bị Y Mút Mlô và nhóm phản động lưu vong ở Mỹ, là: Y Čik Niê, Y Niên Êya, Y Bút Êban (Y Bé Êban), Y Chanh Byă, Y Sôl Niê... dùng nhiều thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ, đe dọa buộc tham gia hoạt động khủng bố, phá hoại.
Quá trình điều tra, cũng như tại phiên toà, các bị cáo đều ăn năn hối cải, nhận thức rõ về hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật của mình, mong được tha thứ, giảm nhẹ hình phạt, xin cơ hội làm lại cuộc đời và mong được Hội đồng xét xử xem xét khoan hồng.
Trong 100 bị cáo, có nhiều người trình độ học vấn thấp, thiếu hiểu biết nên đã tham gia vụ khủng bố. Đến nay, các bị cáo đã nhận ra sai lầm. Hầu hết các bị cáo đều đồng tình đền bù về những tổn thất mà mình đã gây ra để bù đắp phần nào sự mất mát, đau thương của gia đình các bị hại, người liên quan, tài sản Nhà nước...