Maldives là một quốc gia quần đảo ở Ấn Độ Dương, ngay phía nam lục địa châu Á. Với dân số chỉ nửa triệu người, nước cộng hòa nhỏ bé này hầu hết được biết đến như một địa điểm nghỉ dưỡng thiên đường cho khách du lịch.
Mặc dù vậy, theo hãng tin RT, trên thực tế, Maldives vẫn là sân khấu cho một điểm nóng chính trị giữa Trung Quốc, Ấn Độ và phương Tây, khi vào tháng 9/2023, nước này có tân Tổng thống - ông Mohamed Muizzu.
Tổng thống Maldives Muizzu vừa đến thăm Trung Quốc từ ngày 8-12/1, Tại Bắc Kinh, Maldives và Trung Quốc đã tuyên bố nâng cấp lên "quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”. Hai nước cũng ký một loạt thỏa thuận hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Tại sao Maldives quan trọng?
Theo hãng tin RT, thứ nhất, quần đảo này nằm ở vị trí quan trọng trên Ấn Độ Dương, tạo thành một giao lộ hậu cần giữa tiểu lục địa Ấn Độ, bán đảo Ả Rập và Biển Đỏ, Châu Phi với Australia.
Vị trí thiết yếu này chính là lý do tại sao Maldives từng là một phần của Đế quốc Anh (giai đoạn 1887 - 1965), bởi vì bất cứ ai có quyền tiếp cận hàng hải với quần đảo này đều có thể gia tăng ảnh hưởng cả về thương mại và quân sự tại Ấn Độ Dương cũng như các vùng biển trải dài từ đó.
Tương tự như vậy, vị trí của Maldives có nghĩa đây cũng là một biến số quan trọng đối với an ninh của Ấn Độ, đặc biệt là trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc.
Theo RT, chính sách đối ngoại "Láng giềng trên hết" (Neighborhood First) của Ấn Độ là tìm cách duy trì ảnh hưởng cục bộ đối với khu vực được họ coi là "sân sau". Khu vực này bao gồm: Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, Nepal, Bhutan, và Maldives.
Tuy nhiên, một thách thức mà Ấn Độ phải đối mặt là tất cả các quốc gia này đều tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc, dẫn đến cuộc cạnh tranh để có được tầm ảnh hưởng với các quốc gia Nam Á trong các lĩnh vực thương mại, cơ sở hạ tầng và đầu tư.
Theo RT, điều này đóng vai trò là động lực rộng lớn hơn trong "chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" của phương Tây, mà ở đó Mỹ và các đồng minh tìm cách thúc đẩy sự trỗi dậy của Ấn Độ như một cường quốc thương mại và quân sự để cố gắng kiềm chế Trung Quốc ở các đại dương xung quanh và ngăn chặn sự thay đổi trong cán cân quyền lực toàn cầu. Và đương nhiên, Maldives là một phần quan trọng trong chiến lược đó.
Theo RT, vì điều này, New Delhi cảnh giác với việc Bắc Kinh sử dụng mối quan hệ của mình với các quốc gia Nam Á - bao gồm cả mối quan hệ kinh tế và quân sự cực kỳ thân thiết với Pakistan - để kiềm chế Ấn Độ một cách hiệu quả.
Ấn Độ tiếp giáp Trung Quốc (với các tranh chấp biên giới kéo dài nhiều năm) và Nepal ở phía bắc, Pakistan ở phía tây, Bangladesh ở phía đông, Maldives và Sri Lanka ngoài khơi Ấn Độ Dương ở phía nam.
RT nhận định, vì Ấn Độ chưa thể cạnh tranh sòng phẳng với Trung Quốc trong việc cung cấp các khoản đầu tư tốt hơn cho các quốc gia Nam Á này, nên đôi khi New Delhi sử dụng một số chính sách để cố gắng ngăn chặn hợp tác giữa Bắc Kinh và các nước này, chẳng hạn như từ chối quyền tiếp cận không phận đối với một sân bay do Trung Quốc xây dựng ở Nepal.
Maldives đang đứng về phía nào?
Theo RT, các nước nhỏ thường tìm cách tạo rào cản giữa các cường quốc đối thủ, trong trường hợp này là Ấn Độ và Trung Quốc, để đạt được lợi ích tối đa. Chiến lược này là cách họ duy trì quyền tự chủ và độc lập của mình, vì vị trí địa lý chính là thứ khiến họ có giá trị đối với các cường quốc.
Tuy nhiên, là một quốc gia nhỏ ở bên cạnh Ấn Độ, Maldives phải đối mặt với những hậu quả tiềm ẩn nếu trở nên quá thù địch với New Delhi; nhưng Bắc Kinh vẫn có sức hấp dẫn như một người bảo đảm mạnh mẽ trước những hậu quả tồi tệ nhất như vậy.
Theo RT, mặc dù Maldives không thích Ấn Độ nhưng nước này không thể phớt lờ hoặc dứt bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của New Delhi, chỉ để cân bằng cán cân theo hướng có lợi hơn cho Trung Quốc. Điều này thiên về việc giữ vững lập trường trước các chính sách "Láng giềng trên hết" của Ấn Độ hơn là chủ động thách thức chúng.
Ấn Độ đang tăng trưởng nhanh chóng, nhưng vẫn còn một thời gian nữa trước khi nước này phát triển các năng lực kinh tế, tài chính và cơ sở hạ tầng để có thể cạnh tranh sòng phẳng với Trung Quốc, tạo tiền đề cho một cuộc cạnh tranh kéo dài về tầm ảnh hưởng trên khắp Nam Á.