Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Trị liên quan nội dung hiện do công việc áp lực, quá tải, chế độ đãi ngộ thấp nên rất nhiều bác sĩ, kỹ thuật viên y tế có tay nghề cao tại các cơ sở y tế công lập nghỉ việc để mở phòng khám tư, hoặc chuyển qua bệnh viện tư làm việc khiến nhiều cơ sở y tế công lập thiếu nhân lực, quá tải và bệnh nhân gánh nhiều hệ lụy.
Từ đó, cử tri đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành chế độ, chính sách đãi ngộ đối với viên chức ngành y nhằm thu hút nguồn nhân lực giỏi làm việc tại các cơ sở y tế công lập.
Nhân viên y tế đang được hưởng phụ cấp thế nào?
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay hiện chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được Chính phủ, các bộ ngành quy định chi tiết tại các nghị định, thông tư.
Ngoài ra, công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, nhất là hệ thống y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề, chế độ phụ cấp đặc thù và chế độ phụ cấp chống dịch.
Cán bộ, viên chức y tế, cán bộ quân y đang công tác tại các cơ sở y tế thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức cao nhất là 70% mức lương theo ngạch bậc hiện hưởng.
Cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) và phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương theo ngạch hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Bên cạnh đó, trong thời gian công tác, nhân viên y tế thôn, bản được hưởng phụ cấp hằng tháng bằng 0,3 và 0,5 so với mức lương tối thiểu chung.
Trong thời gian dịch COVID-19, để kịp thời động viên tất cả các đối tượng tham gia phòng chống dịch trong đó có viên chức y tế, Chính phủ cũng đã quy định chế độ phụ cấp chống dịch.
Xem xét chế độ tiền lương, phụ cấp đãi ngộ thỏa đáng với nhân viên y tế
Cũng theo Bộ trưởng Lan, Quốc hội đã ban hành nghị quyết 99/2023 giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng của Quốc hội.
Trong đó có nhiệm vụ, giải pháp, nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc theo tinh thần của nghị quyết 27 của trung ương.
Cùng với đó, khuyến khích các địa phương có chính sách thu hút cán bộ, nhân viên y tế về làm việc tại y tế cơ sở và trong lĩnh vực y tế dự phòng.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội giao tại nghị quyết trên.
Trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét các chế độ tiền lương, phụ cấp đãi ngộ thỏa đáng, phù hợp đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên y tế theo nghị quyết 99.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh khi xây dựng chế độ tiền lương mới, bộ đề nghị thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế (30% tổng quỹ lương) theo nghị quyết 27 để bảo đảm quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động ngành y tế phù hợp với các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Trước đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cũng nêu rõ cải cách tiền lương đối với viên chức, người lao động, trong đó có cán bộ y tế là một vấn đề rất quan trọng.
Theo bà Hà, việc này cần phải sớm được ban hành để giúp đỡ phần nào cho những khó khăn của cán bộ y tế.
Theo Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, cải cách tiền lương từ 1-7 sẽ xóa bỏ toàn bộ cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của cơ quan, đơn vị.